Hợp đồng hợp tác kinh doanh – Những vấn đề pháp lý

Hợp đồng hợp tác kinh doanh ra đời nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia góp vốn vào dự án. Những thỏa thuận trong hợp đồng này được pháp luật bảo vệ và điều chỉnh. Do đó, những vấn đề pháp lý xung quanh hợp đồng hợp tác kinh doanh cần được hiểu đúng và đủ để tránh những rủi ro phát sinh.

Hợp đồng hợp tác kinh doanh là gì?

Hợp đồng hợp tác kinh doanh hay còn gọi là hợp đồng BCC, là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế, quy định tại Khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020. Hoạt động kinh doanh của BCC do một bên thực hiện hoặc do cả hai bên cùng thực hiện, do đó nó phải phù hợp với chức năng kinh doanh của một trong hai bên hoặc của cả hai bên.

Nội dung của hợp đồng hợp tác kinh doanh

Khoản 1 Điều 28 Luật đầu tư 2020 quy định hợp đồng BCC gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

  • Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ nơi thực hiện dự án;

  • Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;

  • Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;

  • Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;

  • Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;

  • Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;

  • Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.

Tài sản chung

  • Tài sản do các thành viên đóng góp, cùng tạo lập và tài sản khác theo quy định của pháp luật là tài sản chung theo phần của các thành viên hợp tác.

  • Việc định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất, nhà, xưởng sản xuất, tư liệu sản xuất khác phải có thỏa thuận bằng văn bản của tất cả các thành viên, việc định đoạt tài sản khác do người đại diện của thành viên quyết định, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật quy định:

  • Không được phân chia tài sản chung trước khi chấm dứt hợp đồng hợp tác, trừ trường hợp tất cả các thành viên có thỏa thuận khác.

  • Các thành viên hợp tác chịu trách nhiệm dân sự chung bằng tài sản chung, nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung thì thành viên hợp tác phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng theo phần tương ứng với phần đóng góp của mình, trừ trường hợp có hợp đồng hoặc pháp luật có quy định khác.

Cơ chế hoạt động của các bên khi tham gia hợp đồng hợp tác

  • Việc thành lập Ban điều phối để vận hành thực hiện Hợp đồng hợp tác là điều cần thiết giữa các bên.

  • Cơ cấu, chức năng, phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của Ban điều phối sẽ do các bên thỏa thuận.

  • Nhà đầu tư nước ngoài trong Hợp đồng hợp tác được thành lập Văn phòng điều hành tại Việt Nam để thực hiện BCC. Thủ tục thành lập dựa trên quy định của pháp luật Đầu tư.

  • Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong Hợp đồng BCC có con dấu, được tuyển dụng lao động. Được mở tài khoản ngân hàng, ký kết hợp đồng và thực hện các hoạt động kinh doanh theo quy định tại Hợp đồng.

Rút khỏi hợp đồng BCC

Thành viên chỉ được quyền rút khỏi hợp đồng BCC trong trường hợp:

  • Theo điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng BCC;

  • Có lý do chính đáng và được sự đồng ý của hơn một nửa tổng số thành viên hợp tác.

Thành viên rút khỏi hợp đồng BCC có quyền yêu cầu nhận lại tài sản đã đóng góp, được chia phần tài sản trong khối tài  sản chung và phải thanh toán các nghĩa vụ theo thỏa thuận.

Chấm dứt hợp đồng BCC

Hợp đồng BCC sẽ chấm dứt trong những trường hợp sau:

  1. Theo thỏa thỏa thuận của các thành viên hợp tác.

  2. Hết thời hạn đã thỏa thuận tại Hợp đồng BCC.

  3. Các bên đã đạt được mục đích hợp tác.

  4. Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

  5. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Khi chấm dứt BCC, các bên phải thanh toán các khoản nợ phát sinh từ Hợp đồng. Trường hợp tài sản chung không đủ để thanh toán, các thành viên sử dụng tài sản riêng. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, sau khi thanh toán các khoản nợ, nếu tài sản chung vẫn còn, các bên sẽ được chia theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn đóng góp của mỗi người.

Liên hệ và đóng góp ý kiến

Bất kỳ ý kiến đóng góp, hiệu chỉnh nào của độc giả đối với các nội dung trong bản tin này hoặc cần Hợp đồng mẫu hỗ trợ thêm, vui lòng gửi về:

CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM

Địa chỉ:            28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức, Hồ Chí Minh, Việt Nam

Điện thoại:       (84) 28-6276 9900

Hot line:           (84) 916-545-618

Email:              hotro@hopdongmau.net

Phụ trách:

Luật sư Nguyễn Thị Kim Ngân | Luật sư Thành viên

Điện thoại: (84) 919 639 093

Email:

ngan.nguyen@cnccounsel.com

Hoặc 

Trợ lý Luật sư Ngô Thị Phương Uyên | Cộng sự

Điện thoại: (84) 935 874 284

Email: uyen.ngo@cnccounsel.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *