Luật Áp Dụng Trong Hợp Đồng Thương Mại Quốc Tế

Về nguyên tắc, khi đàm phán, ký kết hợp đồng (“Hợp Đồng”) các bên có quyền chọn luật áp dụng cho Hợp Đồng, trong trường hợp các bên không chọn thì sẽ tuân theo quy định của pháp luật về luật áp dụng cho Hợp Đồng.

Trên thực tế, nhiều thương nhân còn có quan niệm đơn giản và cho rằng: luật áp dụng cho Hợp Đồng (có thể là luật do các bên chọn hoặc theo quy định của pháp luật) chỉ là một luật áp dụng chung cho toàn bộ những nội dung pháp lý liên quan đến Hợp Đồng đó. Điều này có thể chỉ đúng cho trường hợp quan hệ thương mại trong nước, không có yếu tố nước ngoài tham gia. Nhưng sẽ là không phù hợp với thực tiễn thương mại quốc tế ngày nay khi mà lý luận và thực tiễn đã chỉ ra rằng, trong một Hợp Đồng thương mại quốc tế có thể áp dụng nhiều luật khác nhau để điều chỉnh cho từng nội dung của Hợp Đồng như:

  • Luật áp dụng cho Hợp Đồng: điều chỉnh điều kiện hiệu lực của Hợp Đồng, quyền nghĩa vụ của các bên trong Hợp Đồng.

  • Luật áp dụng cho thỏa thuận trọng tài: điều khoản trọng tài trong Hợp Đồng hoặc thỏa thuận đưa tranh chấp ra giải quyết trước trọng tài.

  • Luật điều chỉnh tố tụng trọng tài (“Lex – arbitri”).

1. Luật áp dụng cho Hợp Đồng do các bên tự chọn

1.1. Luật do các bên tự chọn được hiểu chỉ là luật thực chất hay bao gồm cả luật xung đột?

a) Khi các bên chọn luật áp dụng điều chỉnh Hợp Đồng thì luật được chọn phải được hiểu là luật thực chất, không dẫn chiếu đến luật nước khác vì chấp nhận dẫn chiếu là chấp nhận áp dụng luật nước ngoài khi vi phạm xung đột của luật tự chọn đó dẫn chiếu đến luật nước ngoài.

b) Như vậy, trong trường hợp này đã không thể hiện đúng bản chất của quyền “tự chọn” do pháp luật quy định, nó sẽ làm sai lạc những dự tính ban đầu của ý chí tự chọn luật áp dụng cho Hợp Đồng của các bên.

1.2. Luật do các bên tự chọn là luật nội dung hay bao gồm cả luật tố tụng?

a) Trong trường hợp này cần phân biệt rõ, luật do các bên chọn chỉ được hiểu là luật nội dung, được áp dụng điều chỉnh các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên trong Hợp Đồng. Còn việc chọn cơ quan có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp Hợp Đồng lại là một vấn đề khác (luật tố tụng).

b) Theo quy định của pháp luật việt nam (“PLVN”) về chọn luật áp dụng thì: Quyền và nghĩa vụ của các bên theo Hợp Đồng được xác định theo pháp luật của nước mà các bên đã thỏa thuận chọn, pháp luật nước ngoài cũng được áp dụng trong trường hợp các bên có thỏa thuận trong Hợp Đồng, nếu sự thỏa thuận đó không trái với quy định của PLVN (Khoản 3, Điều 759, Bộ Luật Dân Sự 2005).

c) Như vậy, vấn đề về chọn luật áp dụng trong Hợp Đồng theo quy định của PLVN khá rõ ràng về mặt nguyên tắc; vấn đề còn lại là các bên khi tham gia quan hệ Hợp Đồng cần lưu ý thỏa thuận và ghi nhận việc chọn luật một cách cụ thể, rõ ràng vào Hợp Đồng, thể hiện đúng tinh thần và ý chí chọn luật áp dụng của mình, đó là chọn các quy phạm pháp luật thực chất trong hệ thống pháp luật được chọn để điều chỉnh quan hệ Hợp Đồng của mình.

d) Về vấn đề chọn cơ quan tài phán giải quyết tranh chấp Hợp Đồng, tại Điều 5, Luật Trọng Tài thương Mại (“TTTM”) Việt Nam 2010 quy định: “Tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài nếu các bên có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp”.

e) Ngày nay trong pháp luật của hầu hết các quốc gia đều có quy định cho phép các bên tham gia Hợp Đồng được quyền chọn luật áp dụng và chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp Hợp Đồng. Còn việc chọn Tòa án quốc gia giải quyết tranh chấp Hợp Đồng thương mại quốc tế thì hầu hết đều không có quy định  trong pháp luật của các nước. Từ thực tiễn và quy định này của pháp luật, các bên khi ký kết Hợp Đồng cần lưu ý không thể coi nhẹ việc thỏa thuận luật áp dụng cho Hợp Đồng vì:

(i) Trong thực tiễn, khi đàm phán xây dựng Hợp Đồng không phải khi nào các bên cũng thỏa thuận đầy đủ, chi tiết các điều khoản và nội dung của các điều khoản đó. Những nội dung các bên không thỏa thuận, thỏa thuận nhưng không đầy đủ hoặc mâu thuẫn nhau, những thiếu xót đó sẽ áp dụng luật do các bên chọn để giải quyết;

(ii) Nếu các bên không thỏa thuận chọn luật áp dụng, khi Hợp Đồng phát sinh tranh chấp, nếu căn cứ vào thỏa thuận trong Hợp Đồng để giải quyết thì có nguy cơ không những không giải quyết được tranh chấp mà còn có thể phát sinh thêm những tranh chấp khác, trong đó có tranh chấp về luật áp dụng. Điều này có thể được lý giải vì  khi các bên không chọn luật áp dụng thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp sẽ áp dụng quy tắc xung đột  để tìm ra luật áp dụng phù hợp nhất cho Hợp Đồng và trong trường hợp này không khác gì hơn như là việc Tòa án (“Trọng tài”) giải quyết một phương trình “toán học” của luật học.

(iii) Khi thực hiện Hợp Đồng, các bên thường dựa trên quy định của pháp luật quốc gia và khi một bên bị bất lợi hoặc có ý đồ không tốt, bên đó sẽ vận dụng và khai thác sự không rõ ràng, chồng chéo, mâu thuẫn giữa các đạo luật áp dụng để nhằm bảo vê và phục vụ cho lợi ích của mình. Khi các bên tự chọn luật áp dụng, mặc nhiên các bên đã nắm rõ được luật và từ đó vận dụng để giải quyết các tranh chấp trong Hợp Đồng theo hướng bảo vệ cho quyền lợi của mình một cách tốt nhất.

2. Luật áp dụng cho Hợp Đồng theo quy định của pháp luật

2.1. Luật áp dụng cho Hợp Đồng

a) Luật áp dụng cho Hợp Đồng được hiểu là luật nội dung của luật quốc gia hoặc Điều ước quốc tế được áp dụng để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên trong Hợp Đồng; điều kiện hiệu lực của Hợp Đồng. Về nguyên tắc trong một HD, các bên có thể chọn luật áp dụng cho toàn bộ Hợp Đồng hoặc chỉ một phần của Hợp Đồng.

b) Khi trong Hợp Đồng các bên không chọn luật áp dụng thì chính Hội đồng Trọng tài giải quyết vụ tranh chấp sẽ xác định các quy tắc áp dụng nhằm xác định luật áp dụng cho nội dung vụ tranh chấp.

c) Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp, Tòa án hoặc Trọng tài có thể áp dụng nhiều phương pháp khác nhau để xác định luật áp dụng  cho vụ tranh chấp nhưng trong đó có 4 phương pháp cơ bản là:

(i) Dựa trên nguyên tắc chung của Tư pháp quốc tế:

Trong trường hợp này cơ quan có thẩm quyền sẽ dựa vào  các quy phạm xung đột trong hệ thống pháp luật quốc gia và trong các Điều ước quốc tế để tìm ra luật (hoặc hệ thống pháp luật) phù hợp nhất trong số các luật có liên quan để giải quyết vụ tranh chấp.

(ii) Áp dụng luật nơi có mối quan hệ pháp lý gắn bó nhất với vụ tranh chấp:

Thực hiện nghĩa vụ Hợp Đồng là mục đích chính, là yếu tố quan trọng nhất trong quan hệ Hợp Đồng giữa các bên, ngoài ra nơi thực hiện nghĩa vụ Hợp Đồng luôn luôn là một nơi có thực, gắn liền với một hành vi, sự kiện. Do vậy, áp dụng luật nơi thực hiện nghiã vụ chính điều chỉnh quan hệ Hợp Đồng là mang tính thực tế, là căn cứ pháp lý đầu tiên để cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp Hợp Đồng chọn áp dụng.

Ở Việt Nam, vấn đề quyền và nghĩa vụ của các bên theo Hợp Đồng Dân sự được xác định theo pháp luật của nước nơi thực hiện Hợp Đồng, nếu các bên không có thỏa thuận khác. Trong trường hợp Hợp Đồng không ghi nơi thực hiện, thì việc xác định nơi thực hiện Hợp Đồng phải tuận theo pháp luật Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam – Điều 769 Bộ Luật Dân Sự 2005.

(iii) Áp dụng tập quán thương mại:

Về nguyên tắc, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trước hết sẽ áp dụng luật do các bên tự chọn, nếu các bên không chọn luật áp dụng thì cơ quan có thẩm quyền (“Tòa án, Trọng tài”) sẽ quyết định áp dụng luật mà họ cho là phù hợp nhất. Luật phù hợp nhất có thể là Điều ước quốc tế, pháp luật quốc gia và tập quán quốc tế. Khoản 3, Điều 14, Luật TTTM có quy định: “Trường hợp, PLVN, pháp luật do các bên lựa chọn không có quy định cụ thể liên quan đến nội dung tranh chấp thì Hội đồng trọng tài được áp dụng tập quán quốc tế để giải quyết tranh chấp nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của PLVN”.

Trong thực tế, việc tham khảo và áp dụng tập quán thương mại có thể bổ sung cho những thiếu xót trong luật áp dụng. Có các tập quán chung được các bên trong Hợp Đồng viện dẫn áp dụng đó là Incoterms 2000 và UCP 600 của ICC. Bên cạnh đó, Bộ nguyên tắc về Hợp Đồng thương mại quốc tế năm 2004 của Unidroit đưa ra những quy phạm chung được các bên trong Hợp Đồng chọn áp dụng, với điều kiện các bên phải có thỏa thuận trong Hợp Đồng một điều khoản về áp dụng Bộ nguyên tắc Unidroit 2004.

(iv) Áp dụng “Lex mercatoria” hay “nguyên tắc chung của luật”:

Cần phân biệt, tập quán thương mại không phải là Lex mercatori hay nguyên tắc chung của luật như nhiều người thường nghĩ và xem hai khái niệm này là đồng nhất  với nhau.

Lex mercatori nghĩa là luật của các thương nhân, luật này bao gồm các quy tắc và thực tiễn đã phát triễn trong các cộng đồng kinh doanh quốc tế. Đặc trưng của “Lex mercatoria” chính là bản chất mang tính “tập quán” và “tự phát” nhằm thích ứng được với các nhu cầu của thương nhân thương mại.

d) Một thực tiễn mà các bên trong Hợp Đồng cần lưu ý, về nguyên tắc nếu các bên không chọn luật, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp sẽ xác định luật áp dụng theo các quy tắc xung đột luật hoặc theo các “nguyên tắc chung của luật” hoặc theo “lex mercatoria”. Đây là điều hết sức nguy hiểm vì không dễ để tìm ra  ngay luật áp dụng cho vụ tranh chấp, còn “nguyên tắc chung của luật” và “lex mercatoria” lại có nhiều vấn đề không rõ ràng, nội dung của nó phụ thuộc vào sự giải thích của người có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp.

Tóm lại: khi chọn luật áp dụng điều chỉnh Hợp Đồng, các bên cần lưu ý đến các điều kiện trước khi “chọn luật áp dụng” để đưa vào Hợp Đồng đó:

(i) Luật được chọn phải có nội dung phù hợp: không trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước mình; với thông lệ chung của hoạt động thương mại quốc tế;

(ii) Luật được chọn phải là luật thực chất: vì nếu chấp nhận luật tự chọn bao gồm cả luật xung đột thì đồng nghĩa với việc chấp nhận dẫn chiếu đến pháp luật nước ngoài. Như vậy, trong một số trường hợp, khi luật được chọn có quy phạm xung đột dẫn chiếu đến một luật khác và luật đó được áp dụng thì luật được áp dụng này đã trái với ý chí tự chọn luật ban đầu của các bên.

(iii) Lựa chọn luật không nhằm lẫn tránh pháp luật: Các bên trong Hợp Đồng nếu cố ý khai thác các quy định của pháp luật nhằm mục đích lẫn tránh hệ thống pháp luật đáng lẽ phải được áp dụng để điều chỉnh quan hệ giữa các bên trong  Hợp Đồng sẽ bị coi là vi phạm pháp luật.

(iv) Luật được chọn phải dễ tiếp cân về mặt nội dung và ngôn ngữ: Ngôn ngữ trong luật được chọn tốt nhất là ngôn ngữ thông dụng của mình, cần chọn luật của nước được viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, mang tính công khai minh bạch, ổn định và sẽ dễ tìm thấy trên các phương tiện thông tin.

(v) Luật được chọn phải có tính “trung lập” với hệ thống pháp luật của các bên, tránh có những quy định và sự khác biệt lớn trong việc áp dụng và giải thích luật.

(vi) Trong trường hợp việc chọn luật áp dụng khó khăn, các bên có thể áp dụng biện pháp bảo lưu việc áp dụng luật quốc gia cho những vấn đề không được quy định trong Hợp Đồng.

2.2. Luật áp dụng cho thỏa thuận trọng tài

a) Thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên cam kết giải quyết bằng trọng tài các tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh trong hoạt động thương mại, nếu trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp các bên có thỏa thuận trọng tài.

b) Hiệu lực của thỏa thuận trọng tài có thể được xem xét dưới 3 góc độ:

(i) Về nội dung của thỏa thuận trọng tài

Khi xem xét về hiệu lực của thỏa thuận trọng tài các bên cần lưu ý đến yếu tố đặc trưng để phân biệt thỏa thuận trọng tài với các thỏa thuận khác:

–  Năng lực ký thỏa thuận trọng tài

–  Đối tượng tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài

–  Hình thức của thỏa thuận trọng tài

–  Luật áp dụng cho thỏa thuận trọng tài

(ii) Hiệu lực của thỏa thuận trọng tài khi tiến hành tố tụng trọng tài

Trong trường hợp một bên không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài thì bên đó có quyền gửi đơn khiếu nại yêu cầu Tòa án xem xét lại quyết định của Hội đồng trọng tài và thẩm quyền của trọng tài.

(iii) Hiệu lực của thỏa thuận trọng tài khi kết thúc tố tụng trọng tài

Hội đồng trọng tài sẽ ra quyết định về giải quyết vụ tranh chấp và quyết định đó của trọng tài có hiệu lực bắt buộc, các bên không có quyền kháng cáo.

Khi kết thúc tố tụng và hội đồng đã ban hành quyết định trọng tài, quyết định này có giá trị chung thẩm, nhưng nếu một bên không đồng ý với quyết định đó có thể gửi đơn kháng cáo đến Tòa án yêu cầu hủy không công nhận và thi hành quyết định này.

2.3. Luật áp dụng cho tố tụng trọng tài (lex arbitri)

a) Luật này sẽ quy định trình tự, thủ tục nội tại của tố tụng trọng tài như: Quyền lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài; thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài; cách thức tiến hành thành lập Hội đồng trọng tài; đại điểm tiến hành tố tụng trọng tài; trình tự thay đổi trọng tài viên; sửa đổi, bổ sung, rút đơn kiện; Quyền và yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời; nguyên tắc ra và công bố quyết định trọng tài; vấn đề công nhận và thi hành quyết định trọng tài…

b) Như vậy, bằng cách chọn một tổ chức trọng tài, tuân thủ các quy tắc tố tụng của tổ chức trọng tài đó các bên đã từ bỏ các quy tắc của luật trọng tài được áp dụng tại nơi tiến hành tố tụng trọng tài, ngoại trừ những điều khoản và nội dung mà luật nơi tiến hành tố tụng trọng tài bắt buộc các bên phải tuân thủ.

Tóm lại: Không như trọng tài trong nước, trọng tài thương mại quốc tế liên quan đến nhiều hệ thống pháp luật khác nhau, đó là:

(i) Luật điều chỉnh năng lực của các bên ký kết thỏa thuận trọng tài;

(ii) Luật điều chỉnh thỏa thuận trọng tài;

(iii) Luật điều chỉnh tốt tụng trọng tài (Lex arbitri);

(iv) Luật hoặc những quy tắc của luật liên quan điều chỉnh các vấn đề nội dung đang tranh chấp, thường được nhắc đến như là “luật áp dụng”, “luật điều chỉnh”, “luật chính thức của Hợp Đồng” hoặc “Luật nội dung”;

(v) Luật điều chỉnh việc công nhận và thi hành quyết định trọng tài. Trong thực tiễn luật này không chỉ là một luật mà có thề là hai hoặc nhiều luật khác nhau, nếu việc công nhận và thi hành quyết định trọng tài được yêu cầu ở nhiều quốc gia khác nhau nơi có tài sản của bên thua kiện.

Liên hệ và đóng góp ý kiến

Bất kỳ ý kiến đóng góp, hiệu chỉnh nào của độc giả đối với các nội dung trong bản tin này hoặc cần Hợp đồng mẫu hỗ trợ thêm, vui lòng gửi về:

CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM

Địa chỉ:            28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức, Hồ Chí Minh, Việt Nam

Điện thoại:       (84) 28-6276 9900

Hot line:           (84) 916-545-618

Email:              hotro@hopdongmau.net

Phụ trách:

Luật sư Nguyễn Thị Kim Ngân | Luật sư Thành viên

Điện thoại: (84) 919 639 093

Email:

ngan.nguyen@cnccounsel.com

Hoặc 

Trợ lý Luật sư Ngô Thị Phương Uyên | Cộng sự

Điện thoại: (84) 935 874 284

Email: uyen.ngo@cnccounsel.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *