Một Số Dạng Tranh Chấp Trong Hợp Đồng Mua Bán Hàng Hóa Quốc Tế

1. Tranh chấp về chủ thể ký kết hợp đồng (“Hợp Đồng”).

Trên cơ sở quy định của pháp luật, thương nhân có thể chia thành các loại:

Thương nhân là cá nhân, thương nhân là pháp nhân.

Theo quy định của pháp luật thương mại Việt Nam và các nước thì: Thương nhân là cá nhân, ngoài việc phải thỏa mãn các điều kiện chung về năng lực chủ thể (năng lực pháp luật và năng lực hành vi) của một cá nhân được quy định trong Bộ luật dân sự, thì thương nhân đó phải thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu pháp lý của thương nhân được quy định trong luật chuyên ngành như: Thương nhân phải thực hiện các hành vi thương mại độc lập; mang tính nghề nghiệp thường xuyên; phải có năng lực hành vi thương mại và thương nhân phải có đăng ký kinh doanh – đây là dấu hiệu pháp lý quan trọng mà các chủ thể tham gia ký kết Hợp Đồng cần phải xem xét, kiểm tra mà không thể bỏ qua.

1.1. Chủ thể tham gia ký kết Hợp Đồng là thể nhân.

Khi ký kết Hợp Đồng các bên cần lưu ý kiểm tra tư cách chủ thể của thể nhân đó theo Luật Quốc tịch hoặc Luật nơi cư trú của thể nhân, vì trên thực tế pháp luật của các nước khác nhau quy định năng lực chủ thể tham gia ký kết Hợp Đồng sẽ khác nhau. Nếu thương nhân tham gia Hợp Đồng là một thể nhân thì cần xem xét năng lực chủ thể của thương nhân đó (năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự, các dấu hiệu pháp lý của thương nhân) theo quy định của pháp luật mà thể nhân đó mang quốc tịch hoặc nơi mà thể nhân đó cư trú.

1.2. Chủ thể tham gia ký kết Hợp Đồng là pháp nhân.

Thứ nhất, cần nhận biết tổ chức đó có phải là một pháp nhân hay không?Về vấn đề này các bên trong Hợp Đồng có thể xem xét:

a. Trong trường hợp pháp nhân thành lập theo quy định của pháp luật thì văn bản pháp luật về việc thành lập pháp nhân đó quy định như thế nào?

b. Trong trường hợp nhà nước thành lập một tổ chức, thì cần xem quyết định thành lập tổ chức đó có ghi rõ tổ chức đó là một pháp nhân không?

c. Căn cứ vào các quy định trong văn bản pháp luật của quốc gia, thông thường pháp luật của các nước đều quy định các doanh nghiệp là pháp nhân đều phải ghi rõ chế độ trách nhiệm hữu hạn trên biển hiệu và các giấy tờ giao dịch của công ty, vi phạm quy định này có thể bị coi là một hành vi lừa đảo.

Thứ hai, khi nào một doanh nghiệp có năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật?

a. Ở Việt Nam, một tổ chức được coi là pháp nhân khi hội đủ những điều kiện được quy định tại điều 84 Bộ Luật Dân Sự 2005. Tuy nhiên, không phải mọi tổ chức có tư cách pháp nhân đều có thể trở thành thương nhân, vì ngoài việc tổ chức đó phải thỏa mãn các điều kiện được quy định trong luật chung thì còn phải thỏa mãn những quy định của một thương nhân trong luật chuyên ngành. Trong trường hợp này thương nhân phải có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

b. Thời điểm mà doanh nghiệp có đầy đủ năng lực hành vi dân sự tham gia các quan hệ pháp luật được tính từ thời điểm pháp nhân đăng ký kinh doanh – đây là thời điểm pháp lý, từ thời điểm này các Hợp Đồng được ký với đối tác là nhân danh pháp nhân.

Thứ ba, ai là người đại diện cho doanh nghiệp để giao kết Hợp Đồng?
a. Theo quy định của pháp luật, nếu điều lệ của doanh nghiệp không quy định khác thì Tổng Giám Đốc (Giám Đốc) là người đại diện theo pháp luật cho doanh nghiệp. Do vậy, họ có thẩm quyền đương nhiên theo quy định của pháp luật thay mặt cho doanh nghiệp ký kết Hợp Đồng.

b. Tuy nhiên khi ký kết Hợp Đồng thương mại với đối phương là công ty hợp danh cần lưu ý: Theo thông lệ chung trên thế giới, các thành viên của công ty chịu trách nhiệm vô hạn. Do vậy, họ đều có quyền nhân danh công ty để ký kết Hợp Đồng, nếu giữa các thành viên này không có thỏa thuận khác. Mọi hạn chế đối với thành viên hợp danh trong thực hiện công việc kinh danh hằng ngày của công ty chỉ có hiệu lực đối với bên thứ ba khi người đó được biết về hạn chế đó.

Thứ tư, vấn đề người đại diện theo pháp luật ủy quyền cho người khác.

a. Trên thực tế, ngoài việc ủy quyền trực tiếp cho người khác thì việc ủy quyền cũng có thể thực hiện theo phương thức gián tiếp như: việc ủy quyền được thực hiện theo điều lệ hoạt động của công ty; trong quyết định phân công công việc của từng thành viên lãnh đạo công ty; trong nghị quyết của Hội đồng quản trị; hoặc trong thông báo đến khách hàng…

b. Về mặt pháp lý, Việc trao thẩm quyền bằng một văn bản rõ ràng sẽ có ưu thế trong việc tạo bằng chứng về sự tồn tại và phạm vi cụ thể thẩm quyền của người được ủy quyền. Việc xác định thẩm quyền của người được ủy quyền gián tiếp là hết sức phức tạp về mặt pháp lý cũng như trong thực tế rất khó khăn để xác định. Do vậy, đối với hình thức ủy quyền này các bên ký kết Hợp Đồng cũng cần phải lưu ý.

Thứ năm, quyền của người được ủy quyền ký kết Hợp Đồng.

a. Về nguyên tắc, người được ủy quyền chỉ có quyền trong phạm vi quyền được người đại diện theo pháp luật ủy quyền. Phạm vi quyền đó được quy định trong các văn bản pháp luật quốc gia của các bên tham gia ký kết Hợp Đồng mang quốc tịch.

b. Trên thực tế, khi người được ủy quyền không thể trực tiếp giao kết Hợp Đồng theo ủy quyền, vì vậy họ phải ủy quyền lại. Một vấn đề pháp lý đặt ra là họ có được ủy quyền lại hay không? Về nguyên tắc, người được ủy quyền không được ủy quyền lại nếu không có sự chấp thuận của người ủy quyền ban đầu, sự chấp thuận này thường được người ủy quyền quy định trong giấy ủy quyền. (Theo pháp luật Việt Nam tại Điều 583- Bộ Luật Dân Sự 2005 quy định: bên được ủy quyền chỉ được ủy quyền lại cho người thứ ba, nếu được bên ủy quyền đồng ý hoặc pháp luật có quy định. Hình thức Hợp Đồng ủy quyền lại cũng phải phù hợp với hình thức Hợp Đồng ủy quyền ban đầu. Việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.)

Thứ sáu, người được ủy quyền ký Hợp Đồng có quyền ký thỏa thuận trọng tài trong Hợp Đồng không?

a.Trước hết cần phải phân biệt, nếu trong Hợp Đồng có điều khoản về chọn trọng tài giải quyết tranh chấp thì điều khoản này là độc lập với Hợp Đồng. Nội dung của Hợp Đồng (thông qua các điều khoản trong Hợp Đồng) quy định quyền và nghĩa vụ của các bên trong Hợp Đồng, còn điều khoản trọng tài lại có chức năng quy định ai có thẩm quyền giải quyết tranh chấp Hợp Đồng. Đây là vi phạm vi độc lập và khác với nhau. Về mặt pháp lý, điều khoản trọng tài trong Hợp Đồng thực chất là một “ hợp đồng “ nằm trong Hợp đồng.

b. Như vậy, trong một Hợp Đồng nếu có điều khoản chọn trọng tài giải quyết tranh chấp Hợp Đồng thì về mặt pháp lý người được ủy quyền ký Hợp Đồng có quyền ký các nội dung khác của Hợp Đồng, trừ điều khoản trọng tài. Người được ủy quyền ký Hợp Đồng, chỉ có quyền ký thỏa thuận trọng tài khi trong ủy quyền có quy định rõ phạm vi ủy quyền đó. Khi ký kết Hợp Đồng thương mại quốc tế, trong đó có điều khoản trọng tài thì các thương nhân cần lưu ý đến quy định này của pháp luật.

Thứ bảy, chủ thể tham gia ký kết Hợp Đồng là nhà nước.

a. Trong trường hợp chủ thể tham gia quan hệ Hợp Đồng là nhà nước, các bên trong Hợp Đồng cần lưu ý đến quyền miễn trừ tư pháp của loại chủ thể này. Cụ thể là cần xem xét pháp luật của quố gia đó có quy định nhà nước đương nhiên từ bỏ quyền miễn trừ tư pháp trong các quan hệ dân sự, thương mại hay không?

2. Tranh chấp liên quan đến đề nghị và chấp nhận đề nghị giao kết Hợp Đồng.

2.1. Đề nghị giao kết Hợp Đồng

Để một đề nghị giao kết Hợp Đồng có hiệu lực theo quy định của pháp luật, đề nghị đó phải có nội dung rõ ràng, cụ thể. Theo khoản 1, Điều 14, Công Ước Viên 1980 thì “Một đề nghị ký kết Hợp Đồng gửi cho một hay nhiều người xác định được coi là một chào hàng nếu có đủ chính xác và nếu nó chỉ rõ ý chí của người chào hàng muốn tự ràng buộc mình trong trường hợp có sự chấp nhận chào hàng đó. Một đề nghị là đủ chính xác khi nó nêu rõ hàng hóa và ấn định số lượng về giá cả một cách trực tiếp hoặc gián tiếp hoặc quy định thể thức xác định những yếu tố này.” .

2.2. Chấp nhận đề nghị giao kết Hợp Đồng

Về mặt pháp lý thì chấp nhận đề nghị giao kết Hợp Đồng là một hành vi pháp lý thể hiện ý chí của người được đề nghị, chấp nhận toàn bộ các điều kiện (vô điều kiện) mà bên đề nghị đưa ra và để chấp nhận đề nghị giao kết Hợp Đồng có hiệu lực thì chấp nhận đề nghị đó phải thỏa mãn các điều kiện cơ bản như:

a. Chấp nhận phải thể hiện rõ ý chí của người nhận đề nghị muốn xác lập quan hệ Hợp Đồng.

b. Chấp nhận đó phải là tuyệt đối và vô điều kiện các nội dung của đề nghị.

Các hình thức trả lời chấp nhận đề nghị giao kết Hợp Đồng có thể là bày tỏ ý chí một cách rõ ràng bằng lời nói (trả lời chấp nhận); bằng văn bản cụ thể; hoặc trong thực tế hình thức trả lời chấp nhận giao kết Hợp Đồng có thể là “sự im lặng”. Về nguyên tắc, pháp luật không có quy định “sự im lặng” của bên được đề nghị là hình thức chấp nhận giao kết Hợp Đồng nhưng trong thực tiễn, các trường hợp sau thì sự im lặng được coi là chấp nhận đề nghị giao kết Hợp Đồng:

(i) Mối quan hệ kinh doanh trong lĩnh vực được đưa ra trong đề nghị giao kết Hợp Đồng giữa các bên đã được thiết lập nhiều lần trước đó và có từ lâu;

(ii) Có sự tồn tại của tập quán thương mại theo đó sự im lặng là đồng nghĩa với chấp nhận giao kết Hợp Đồng;

(iii) Đề nghị giao kết Hợp Đồng được bên đề nghị đưa ra hoàn toàn vì lợi ích của bên được đề nghị;

2.3. Ký kết Hợp Đồng gián tiếp

Về mặt pháp lý, cần phải xác định được thời điểm ký kết Hợp Đồng và nơi ký kết Hợp Đồng.

a. Thời điểm ký kết Hợp Đồng

(i) Kể từ thời điểm này Hợp Đồng được ký kết bắt đầu phát sinh hiệu lực

(ii) Thời điểm ký kết Hợp Đồng có thể được áp dụng làm căn cứ để xác định luật có hiệu lực áp dụng cho nội dung của Hợp Đồng và luật áp dụng để giải quyết tranh chấp Hợp Đồng, nếu Hợp Đồng xảy ra tranh chấp.

b. Địa điểm xảy ra tranh chấp

Về nguyên tắc khi các bên ký kết Hợp Đồng không chọn luật áp dụng thì địa điểm ký kết Hợp Đồng được sử dụng làm căn cứ để xác định luật điều chỉnh Hợp Đồng, các điều kiện hiệu lực về hình thức của Hợp Đồng.

Nội dung này được thể hiện từ nguyên tắc lãnh thổ của pháp luật. Đó là quan hệ giữa các bên được hình thành ở đâu thì luật pháp ở đó được áp dụng cho quan hệ đó. Trong trường hợp ký Hợp Đồng gián tiếp, thì địa điểm ký Hợp Đồng là nơi nào, pháp luật các nước quy định như sau:

(i) Các nước trong khối Châu Âu lục địa (Civil Law): ngày ký kết Hợp Đồng là ngày mà bên chào hàng nhận được chấp nhận chào hàng vô điều kiện của bên được chào hàng, nơi ký kết Hợp Đồng là nơi cư trú của bên chào hàng ban đầu.

(ii) Các nước trong khối Anh – Mỹ (Conmon Law): ngày ký kết Hợp Đồng là ngày mà bên được chào hàng gửi chấp nhận chào hàng vô điều kiện cho bên chào hàng ban đầu, nơi ký kết Hợp Đồng là nơi cư trú của bên được chào hàng. Trường hợp, bên được chào hàng có nhiều nơi cư trú (ví dụ: có một trụ sở chính và nhiều chi nhánh) thì thông thường nơi cư trú chính được tính đến là nơi có mối quan hệ chặt chẽ nhất với Hợp Đồng và với việc thực hiện Hợp Đồng.

(iii) Ở Việt Nam: Hợp Đồng được ký kết kể từ thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết. Thời điểm giao kết Hợp Đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của Hợp Đồng. Thời điểm giao kết Hợp Đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản (Khoản 1,2 ,3 và 4 Điều 404 Bộ Luật Dân Sự 2005).

(iv) Luật áp dụng để xác định nơi giao kết Hợp Đồng trong trường hợp giao kết Hợp Đồng vắng mặt theo pháp luật Việt Nam là Luật của nước nơi cư trú của cá nhân hoặc nơi có trụ sở chính của pháp nhân là bên đề nghị giao kết Hợp Đồng.Thời điểm giao kết Hợp Đồng vắng mặt được xác định theo pháp luật của nước của bên đề nghị giao kết Hợp Đồng (Điều 771 Bộ Luật Dân Sự 2005).

3. Tranh chấp về tên hàng trong Hợp Đồng (đối tượng của Hợp Đồng)

Hàng hóa trong Hợp Đồng mua bán hàng hóa quốc tế là các tài sản động sản hữu hình được chuyển dịch từ nước này qua nước khác, từ thực tế này một vấn đề pháp lý phát sinh trong điều khoản tên hàng của Hợp Đồng là cùng một loại hàng hóa nhưng ở nước này hàng hóa đó là hợp pháp và ở nước khác thì không được phép giao dịch, cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh hoặc là hàng hóa mua bán có điều kiện. Như vậy đối tượng của Hợp Đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải là các tài sản động sản hữu hình được phép giao dịch. Đây là một trong những vấn đề mang tính pháp lý khi đàm phán, ký kết Hợp Đồng với đối tác mà các bên trong Hợp Đồng không thể bỏ qua.

Trong thương mại quốc tế do tính chất đa dạng của tên gọi đối với hàng hóa, cùng một hàng hóa nhưng ở mỗi nơi có mỗi cách gọi tên khác nhau, để tránh tranh chấp về đối tượng Hợp Đồng các bên cần ghi tên hàng theo một số nguyên tắc pháp lý sau:

3.1. Ghi tên hàng kèm theo với địa danh sản xuất ra hàng hóa đó;

3.2. Ghi tên hàng kèm theo với chủ hàng, nhà máy sản xuất;

3.3. Ghi tên hàng kèm theo với công dụng của nó;

3.4. Ghi tên hàng kèm theo nhãn hiệu của hàng hóa;

3.5. Ghi tên hàng theo mã số của hàng hóa trong danh mục hàng hóa thống nhất.

Đối với các Hợp Đồng cung ứng dịch vụ thì đối tượng của Hợp Đồng là một hành vi, là hàng hóa vô hình, là dịch vụ, do vậy rất khó đo lường, định lượng. Vì vậy,trong việc mua bán, cung ứng dịch vụ, các bên trong Hợp Đồng phải quy định rõ, chi tiết về tiêu chuẩn kết quả đạt được của dịch vụ, đặt ra những yêu cầu cụ thể đối với chất lượng dịch vụ mà các bên trong Hợp Đồng muốn hướng tới.

Tóm lại, trong điều khoản tên hàng, tùy theo từng loại hàng hóa để các bên chọn một cách ghi cho phù hợp, chặt chẽ về mặt pháp lý, tránh ghi chung chung dẫn đến việc các bên trong Hợp Đồng hiểu không thống nhất, dẫn đến tranh chấp Hợp Đồng, đặc biệt trong những trường hợp quyền lợi của một bên trong Hợp Đồng bị ảnh hưởng. Bên đó thường dựa vào những điểm không thống nhất đó để từ chối thưc hiện Hợp Đồng.

4. Tranh chấp về chất lượng hàng hóa trong Hợp Đồng

Chất lượng hàng hóa là một trong những vấn đề thường xảy ra tranh chấp trong Hợp Đồng. Trước hết do tính phức tạp trong việc xác định chất lượng hàng hóa. Chất lượng hàng hóa trong Hợp Đồng được áp dụng theo tiêu chuẩn nào, do ai quy định? Để hạn chế các tranh chấp có thể xảy ra các bên trong Hợp Đồng cần lưu ý thỏa thuận và phải ghi rõ trong Hợp Đồng về:

4.1. Phương pháp xác định chất lượng như: mô tả chất lượng; dẫn chiếu đến hàng hóa lưu thông trên thị trường, hoặc theo mẫu hàng;

4.2. Các phương pháp, phương tiện thiết bị, tiêu chuẩn dùng để xác định chất lượng hàng hóa;

4.3. Giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa do ai cấp, Thẩm quyền của cơ quan cấp giấy, giá trị pháp lý của giấy chứng nhận chất lượng đó.

4.4. Biên bản và thời hạn giám định chất lượng hàng hóa không thể chậm trễ hơn thời hạn cho phép trong Hợp Đồng; biên bản giám định phải do cơ quan có thẩm quyền do pháp luật quy định hoặc được các bên thỏa thuận cụ thể trong Hợp Đồng ký, nếu không khi tranh chấp xảy ra sẽ không được đối phương chấp nhận.

Liên hệ và đóng góp ý kiến

Bất kỳ ý kiến đóng góp, hiệu chỉnh nào của độc giả đối với các nội dung trong bản tin này hoặc cần Hợp đồng mẫu hỗ trợ thêm, vui lòng gửi về:

CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM

Địa chỉ:            28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức, Hồ Chí Minh, Việt Nam

Điện thoại:       (84) 28-6276 9900

Hot line:           (84) 916-545-618

Email:              hotro@hopdongmau.net

Phụ trách:

Luật sư Nguyễn Thị Kim Ngân | Luật sư Thành viên

Điện thoại: (84) 919 639 093

Email:

ngan.nguyen@cnccounsel.com

Hoặc 

Trợ lý Luật sư Ngô Thị Phương Uyên | Cộng sự

Điện thoại: (84) 935 874 284

Email: uyen.ngo@cnccounsel.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *