Gia hạn thời gian hoàn thành trong hợp đồng xây dựng

Đối với mỗi hợp đồng xây dựng, thời gian hoàn thành và yêu cầu gia hạn thời gian hoàn thành Công việc đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Khi Công Việc không được hoàn thành trong thời hạn mà các bên đã thống nhất thì mỗi bên hoặc tất cả các bên sẽ phải gánh chịu thiệt hại, tổn thất hay mất mát từ việc kéo dài đó gây ra. Bởi vậy, để giảm thiểu các tổn thất, việc quản lý thời gian hoàn thành Công Việc (Extension of Time – EOT Claims) trong mỗi hợp đồng xây dựng trở nên quan trọng nếu không nói là quan trọng bậc nhất.

Xác lập thời gian hoàn thành

Có thể hiểu “hoàn thành” nghĩa là thời điểm Nhà Thầu hoàn thành toàn bộ Công Việc và/hoặc mỗi Hạng Mục Công Việc (nếu có).

Trước hết, để có cơ sở xét duyệt mỗi EOT Claim, cần phải định ra được đâu là thời điểm bắt đầu (“Ngày Khởi Công”), đâu là thời điểm kết thúc (“Ngày Hoàn Thành”) và từ đó định ra (khoảng) thời gian hoàn thành Công Việc (“Thời Gian Hoàn Thành Công Việc”) cũng như thời gian gia hạn phù hợp.

Xác lập ngày khởi công

FIDIC quy định rằng “Nhà Tư Vấn sẽ gửi Thông Báo Khởi Công (Thông Báo Tiến Hành Công Việc) trước ít nhất 7 ngày trước Ngày Khởi Công. Trừ khi được quy định khác đi trong Điều Kiện Riêng, Ngày Khởi Công là ngày thứ 42 kể từ ngày Nhà Thầu nhận được Thư Trao Thầu”. Việc dự liệu Ngày Khởi Công là 42 ngày sau khi nhà thầu nhận được thư trao thầu đồng nghĩa với việc các bên có thời gian để chuẩn bị, và trước khi bắt đầu bất kỳ công việc nào như vậy thì nhà tư vấn cần phải thông báo trước cho nhà thầu về Ngày Khởi Công đó.

Ngoài ra, ý nghĩa của việc dự liệu một khoảng thời gian như vậy sẽ giúp cho Nhà Thầu có cơ hội để trình nộp các tài liệu quan trọng nhằm đảm bảo việc Khởi Công Công Việc sẽ được diễn ra như dự định, cụ thể:

  • Trình nộp bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

  • Trình nộp bản tiến độ thi công chi tiết.

Xác lập ngày hoàn thành

Hoàn thành có thể được hiểu theo rất nhiều hướng khác nhau, tùy từng hợp đồng, tại từng thời điểm, và tùy thuộc vào luật áp dụng của mỗi hợp đồng. Theo đó, việc hoàn thành có thể được hiểu là:

  • Hoàn thành thực tế: Nhà thầu thực tế đã thi công xong các công việc, chưa hoàn thành xong các công việc giấy tờ (bản vẽ hoàn công, chứng chỉ, thí nghiệm, kiểm định phản ánh chất lượng công trình đã được thi công.

  • Hoàn thành theo hợp đồng: Nhà thầu đã hoàn thành các công việc theo yêu cầu của hợp đồng, bao gồm việc hoàn thành trên thực tế và việc hoàn thiện các hồ sơ, tài liệu theo hợp đồng.

  • Hoàn thành pháp lý: Chủ Đầu tư đã có được tất cả các giấy phép, chấp thuận, phê duyệt, đồng ý của tất cả các cơ quan chức năng liên quan.

Nói cách khác, chỉ có thể xem là đã hoàn thành khi Nhà Thầu đảm bảo đạt được ít nhất ba tiêu chí cơ bản, bao gồm:

  • Việc thi công và hoàn thành toàn bộ Công Việc quan trọng trên thực tế;

  • Đã chuẩn bị và đệ trình được các giấy tờ, tài liệu chứng minh cho việc hoàn thành; và

  • Đã vượt qua được các Cuộc Kiểm Định Khi Hoàn Thành (nếu có).

Các sự kiện được phép gia hạn

Khi tiến hành gia hạn, cần phải xác định được:

  • Sự kiện mà nhà thầu không được phép gia hạn và đâu là sự kiện cho phép nhà thầu được phép gia hạn (Sự Kiện Được Phép Gia Hạn);

  • Sự kiện nào dẫn tới hệ quả tất yếu là việc thi công, hoàn thành Công Việc bị cản trở/trì hoãn (Sự Kiện Nằm Trên Đường Găng) và đâu là những sự kiện mà nhà thầu có thể vượt qua mà không ảnh hưởng tới tiến độ thi công.

Các sự kiện được phép gia hạn có thể là các trường hợp sau:

  • Do việc xử lý vấn đề về cổ vật tại Công trường;

  • Do thay đổi quy định (từ nhà nước, bên thứ ba hoặc đơn vị cung cấp tiện ích) ảnh hưởng đến việc di chuyển của Nhà thầu trên các tuyến đường vào Công trường;

  • Do ảnh hưởng của Điều Kiện Vật Chất Không Lường Trước được;

  • Sai sót trong việc định vị các mốc, gốc chuẩn;

  • Ảnh hưởng của việc Nhà thầu phải hợp tác với các nhà thầu khác trên Công trường;

  • Chậm bàn giao mặt bằng Công trường;

  • Chậm trễ liên quan đến việc Chủ đầu tư chậm trễ hoặc không xin được các chấp thuận, phê duyệt, đồng ý (từ cơ quan chức năng);

  • Chậm trễ do các bản vẽ hoặc chỉ dẫn kỹ thuật, kỹ dẫn công trường không được Chủ đầu tư phát hành kịp thời;

  • Do Nhà thầu phải tuân thủ với các yêu cầu, chỉ dẫn của Chủ đầu tư liên quan đến việc thí nghiệm, kiểm định;
  • Do Nhà thầu phải sửa chữa các sai sót của Công việc mà lý do thuộc Chủ đầu tư hoặc từ ảnh hưởng của sự kiện Bất Khả Kháng;
  • Do các phát sinh, thay đổi đối với Công việc;

  • Do điều kiện khí hậu thay đổi bất thường/bất lợi;

  • Do hàng hóa, nhân lực bị thiếu hụt mà nguyên nhân là từ các cấm vận, hoặc do chính sách của chính quyền;

  • Do các vấn đề thuộc lỗi, tránh nhiệm của Chủ đầu tư (bao gồm cả bất kỳ người nào được Chủ đầu tư thuê, mướn, hoặc bao gồm cả tất cả các nhà thầu ký hợp đồng với Chủ đầu tư);

  • Do bản thân khối lượng thi công thực tế so với Biểu Khối Lượng tăng quá mức 10%;

  • Do trì hoãn, chậm trễ của cơ quan chức năng;

  • Do Công việc bị yêu cầu tạm ngưng một phần hay toàn bộ mà lỗi không phải từ Nhà thầu;

  • Do Nhà thầu bị trì hoãn, cản trở việc Kiểm Tra/Nghiệm Thu khi hoàn thành;

  • Do việc thay đổi Luật pháp;

  • Do Nhà thầu chủ động tạm ngưng hoặc giảm tiến độ Công việc từ lỗi của Chủ đầu tư;

  • Do Sự Kiện Bất Khả Kháng.

Thủ tục thực hiện việc khiếu nại gia hạn thời gian hoàn thành

Gia hạn thời gian hoàn thành không phải là thủ tục đương nhiên và không thể được xem xét một cách tự động bởi bất kỳ quy định hay thỏa thuận nào trong hợp đồng.

Để có cơ sở xem xét việc gia hạn cho một EOT Claim nào thì nhà thầu cần phải có sự chuẩn bị đầy đủ, trình nộp đúng thời gian, tới đúng bên được giao nhiệm vụ xử lý và phải được đánh giá theo một trình tự đặc biệt. Do vậy, thủ tục thực hiện một EOT Claim sẽ đóng vai trò quyết định dẫn tới việc (i) có hay không chấp thuận việc gia hạn, và (ii) trong chừng mực được gia hạn thì chi tiết mức độ gia hạn như thế nào.

Thủ tục khiếu nại thời gian hoàn thành được thực hiện qua hai bước sau:

Bước 1: Thông báo về sự kiện trao quyền để gia hạn thời gian hoàn thành công việc.

Bước 2: Trình nộp chi tiết các cơ sở cho phép gia hạn thời gian hoàn thành công việc.

Ở thủ tục thứ nhất, việc không tuân thủ về thủ tục trình nộp thông báo sẽ dẫn tới việc nhà thầu bị mất đi quyền gia hạn thời gian hoàn thành Công Việc – mất quyền vì vấn đề thủ tục (mà không cần xem xét đến nội dung của vấn đề).

Ở Việt Nam, tại một số hợp đồng cũng đã có những quy định tương tự về việc giới hạn thời gian nhà thầu có nghĩa vụ trình nộp thông báo gia hạn thời gian hoàn thành Công Việc khi phát sinh sự kiện cho phép gia hạn. Tuy nhiên, cách tiếp cận như vậy cũng gây ra nhiều quan điểm trái chiều và tới nay vẫn chưa có hồi kết.

Liên hệ và đóng góp ý kiến

Bất kỳ ý kiến đóng góp, hiệu chỉnh nào của độc giả đối với các nội dung trong bản tin này hoặc cần Hợp đồng mẫu hỗ trợ thêm, vui lòng gửi về:

CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM

Địa chỉ:            28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức, Hồ Chí Minh, Việt Nam

Điện thoại:       (84) 28-6276 9900

Hot line:           (84) 916-545-618

Email:              hotro@hopdongmau.net

Phụ trách:

Luật sư Nguyễn Thị Kim Ngân | Luật sư Thành viên

Điện thoại: (84) 919 639 093

Email:

ngan.nguyen@cnccounsel.com

Hoặc 

Trợ lý Luật sư Ngô Thị Phương Uyên | Cộng sự

Điện thoại: (84) 935 874 284

Email: uyen.ngo@cnccounsel.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *