Hợp đồng mua bán thức ăn chăn nuôi là loại hợp đồng được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi và sản xuất. Hoạt động mua bán thức ăn chăn nuôi thường diễn ra liên tục, thời hạn kéo dài và quy mô của giao dịch cũng khác nhau phù hợp với từng nhu cầu của các cá nhân, tổ chức kinh doanh cụ thể. Do đó, việc soạn thảo một hợp đồng mua bán thức ăn chăn nuôi là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo hoạt động của các bên trong hợp đồng diễn ra liên tục, thuận lợi và giúp các bên đạt được lợi ích mà mình mong đợi.
Trong bài viết này, Hợp Đồng Mẫu sẽ giới thiệu sơ bộ về hợp đồng mua bán thức ăn chăn nuôi cũng như các lưu ý khi soạn thảo, ký kết loại hợp đồng này.
Hợp đồng mua bán thức ăn chăn nuôi là gì?
Chăn nuôi là ngành kinh tế – kỹ thuật bao gồm các hoạt động trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi. Có thể nhận thấy rằng, thức ăn chăn nuôi thuộc lĩnh vực của ngành chăn nuôi. Theo đó, thức ăn chăn nuôi là sản phẩm, mà vật nuôi ăn, uống ở dạng tươi, sống hoặc đã qua chế biến bao gồm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung và thức ăn truyền thống. Trong trường hợp thức ăn chăn nuôi được sản xuất nhằm mục đích trao đổi, mua bán trên thị trường thì được gọi là thức ăn chăn nuôi thương mại.[1]
Như vậy, thức ăn chăn nuôi được xem là một loại tài sản (động sản) theo pháp luật dân sự và không bị cấm hay hạn chế chuyển nhượng. Do đó, khi các bên có nhu cầu thì có thể tự do giao kết hợp đồng mua bán thức ăn chăn nuôi để đáp ứng các nhu cầu và lợi ích các bên mong đợi.
Theo đó, hợp đồng mua bán thức ăn chăn nuôi là một loại hợp đồng mua bán hàng hóa, trong đó bên bán sẽ thực hiện cung ứng và chuyển quyền sở hữu một lượng thức ăn chăn nuôi nhất định theo yêu cầu cho bên mua và bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán theo thỏa thuận của các bên.
Bên cạnh đó, mặc dù thức ăn chăn nuôi không bị cấm hay hạn chế chuyển nhượng, nhưng trước khi thức ăn chăn nuôi thương mại được lưu thông trên thị trường và đủ điều kiện để thực hiện một hợp đồng mua bán thức ăn chăn nuôi thì thức ăn chăn nuôi còn phải đáp ứng một số điều kiện theo Luật Chăn nuôi 2018.
Yêu cầu và tiêu chuẩn khi thực hiện hợp đồng mua bán thức ăn chăn nuôi
Yêu cầu đối với thức ăn chăn nuôi thương mại
Trước khi lưu thông trên thị trường, thức ăn chăn nuôi thương mại phải đảm bảo được các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Luật Chăn nuôi 2018, các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật đó bao gồm:
Điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật[2]
Đầu tiên, thức ăn chăn nuôi cần phải được công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Theo đó, công bố tiêu chuẩn áp dụng là việc cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động mua bán thức ăn chăn nuôi công bố các đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm thức ăn chăn nuôi nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của thức ăn chăn nuôi.[3] Bên cạnh đó, công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đã được công bố.[4]
Thứ hai, bản thân thức ăn chăn nuôi phải đảm bảo có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Thứ ba, thức ăn chăn nuôi phải được sản xuất tại cơ sở có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp.
Thứ tư, cá nhân, tổ chức kinh doanh thức ăn chăn nuôi phải công bố thông tin sản phẩm thức ăn chăn nuôi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cuối cùng, đối với thức ăn chăn nuôi thương mại thì nhãn sản phẩm hoặc tài liệu kèm theo phải thể hiện thông tin cần thiết nhằm đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các thông tin trên bao gồm:
Nhãn sản phẩm và tài liệu kèm theo[5]
Điều kiện để thực hiện hợp đồng mua bán thức ăn chăn nuôi
Để đủ điều kiện đưa thức ăn chăn nuôi vào hoạt động kinh doanh thương mại, hay nói cách khác là giao kết hợp đồng mua bán thức ăn chăn nuôi thì phải đảm bảo được các yêu tố sau đây:
Thứ nhất, có trang thiết bị, dụng cụ để bảo quản thức ăn chăn nuôi theo hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất, cung cấp.
Thứ hai, nơi bày bán, kho chứa thức ăn chăn nuôi phải tách biệt hoặc không bị ô nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất độc hại khác.
Thứ ba, có biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại.[6]
Pháp luật điều chỉnh hợp đồng mua bán thức ăn chăn nuôi
Khi thực hiện hợp đồng mua bán thức ăn chăn nuôi các bên cần phải tuân thủ theo pháp luật dân sự, đặc biệt là Bộ luật Dân sự 2015 liên quan đến hợp đồng mua bán tài sản, chuyển giao quyền sở hữu. Bên cạnh đó, với đặc thù của hoạt động sản xuất và mua bán thức ăn chăn nuôi, các bên còn phải chịu sự điều chỉnh của Luật Chăn nuôi 2018 và Luật Tiêu chuẩn và kỹ thuật 2006 về các điều kiện và tiêu chuẩn đối với thức ăn chăn nuôi.
Những lưu ý khi soạn thảo và giao kết hợp đồng mua bán thức ăn chăn nuôi
Hợp đồng mua bán thức ăn chăn nuôi thường là một loại hợp đồng mà trong đó các bên thực hiện hoạt động cung ứng thức ăn chăn nuôi liên tục trong một khoảng thời gian dài, hoặc ít nhất là hết kỳ thu hoạch sản phẩm chăn nuôi đó. Do đó, để quá trình thực hiện hợp đồng diễn ra suôn sẻ, các bên cần phải lưu ý các vấn đề sau:
Thứ nhất, về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Như đã phân tích ở trên, thức ăn chăn nuôi khi đưa vào hoạt động kinh doanh thương mại cần phải được công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy theo quy định của pháp luật về về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Do đó, các bên cần cần phải xác định rõ thức ăn chăn nuôi là đối tượng của hợp đồng mua bán thức ăn chăn nuôi được giao kết giữa các bên có đảm bảo được yếu tố này hay chưa.
Thứ hai, đảm bảo đáp ứng các điều kiện mua bán thức ăn chăn nuôi. Ngoài việc cần phải đảm bảo về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật như trên thì các bên còn phải đáp ứng được các điều kiện khác để thức ăn chăn nuôi được phép thực hiện mua bán theo Điều 32 Luật Chăn nuôi 2018.
Thứ ba, hợp đồng mua bán thức ăn chăn nuôi chỉ nên ghi nhận các điều khoản cơ bản. Điều này xuất phát bởi hợp đồng mua bán thức ăn chăn nuôi là một loại hợp đồng dài hạn, bên bán liên tục cung ứng thức ăn chăn nuôi cho bên mua để bên mua thực hiện hoạt động chăn nuôi của mình. Hoạt động cung ứng thức ăn này có thể diễn ra với tần suất khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định nhưng chắc chắn các bên sẽ không chỉ thực hiện một lần duy nhất.
Do đó, hợp đồng mua bán thức ăn chăn nuôi giữa các bên nên chỉ ghi nhận các điều khoản cơ bản của hợp đồng chẳng hạn như thông tin các bên, cơ sở thiết lập hợp đồng, định nghĩa diễn giải, điều khoản cam đoan và bảo đảm, thông báo, thanh toán, vi phạm, chấm dứt hợp đồng, chế tài và giải quyết tranh chấp,… còn các điều khoản khác liên quan đến giá cả, chủng loại, số lượng/khối lượng các bên không nên quy định chi tiết vào hợp đồng mà chỉ cần quy định một khung pháp lý cơ bản cho các điều khoản trên.
Đối với các điều khoản như giá cả, chủng loại,… như vừa nêu các bên chỉ cần đến đợt giao hàng theo yêu cầu của bên mua vào từng giai đoạn thì các bên ghi nhận vào biên lai, mỗi bên giữ một bản hoặc các bên thống nhất lập ra một bảng ghi nhận rằng vào thời gian nào, bên mua đã mua thức ăn chăn nuôi loại [*] với khối lượng [*] và tổng giá trị là [*]. Việc quy định như vậy giúp việc thực hiện hợp đồng diễn ra một cách nhanh chóng mà vẫn đảm bảo các bên thực hiện theo đúng hợp đồng đã giao kết.
Xem thêm: Hợp đồng mua bán xe ô tô 2024
[1] Luật Chăn nuôi 2018, Điều 2
[2] Luật Chăn nuôi 2018, Điều 32
[3] Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006, Điều 3(1)
[4] Xem thêm: ‘Công bố hợp quy là gì? Đối tượng thực hiện công bố hợp quy là ai? Có bắt buộc phải thực hiện công bố hợp quy?’ Sở Khoa học và Công nghệ (27/10/2023) < https://dichvucong.nghean.gov.vn/public/linkto/tintuc_chitiet/128#:~:text=C%C3%B4ng%20b%E1%BB%91%20h%E1%BB%A3p%20quy%20l%C3%A0%20vi%E1%BB%87c%20t%E1%BB%95%20ch%E1%BB%A9c%2C%20c%C3%A1%20nh%C3%A2n,chu%E1%BA%A9n%20k%E1%BB%B9%20thu%E1%BA%ADt%20t%C6%B0%C6%A1ng%20%E1%BB%A9ng.>
[5] Luật Chăn nuôi 2018, Điều 46
[6] Luật Chăn nuôi 2018, Điều 40