Hợp đồng mua bán hàng hoá

Hợp đồng mua bán thức ăn thuỷ sản

Ngành nuôi trồng thủy sản đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm dồi dào cho thị trường nội địa mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Trong bối cảnh đó, thức ăn thủy sản trở thành một yếu tố không thể thiếu, quyết định chất lượng và sản lượng của sản phẩm nuôi trồng. Hợp đồng mua bán thức ăn thủy sản đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo ổn định nguồn cung thức ăn thủy sản. Từ đó, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản thủy sản.

Bài viết dưới đây, Hợp Đồng Mẫu sẽ phân tích tổng quan các vấn đề cơ bản về Hợp đồng mua bán thức ăn thuỷ sản cũng như những lưu ý cần phải lưu tâm khi giao kết loại hợp đồng này.

 

Hợp đồng mua bán thức ăn thuỷ sản là gì?

Thức ăn thủy sản là sản phẩm cung cấp dinh dưỡng, thành phần có lợi cho sự phát triển của động vật thủy sản, bao gồm thức ăn hỗn hợp, chất bổ sung, thức ăn tươi sống và nguyên liệu.[1]

Thức ăn thuỷ sản là một loại tài sản có thể tự do buôn bán và chuyển nhượng. Do đó, các bên có thể tự do ký kết hợp đồng mua bán thức ăn thuỷ sản để đáp ứng các nhu cầu và lợi ích của mình.

Trên thực tế, hợp đồng mua bán thức ăn thủy sản thường được giao kết giữa một bên là đơn vị cung cấp/phân phối thức ăn thủy sản với bên còn lại là hộ gia đình/doanh nghiệp chuyên nuôi trồng thủy sản/… Do đó, hợp đồng mua bán thức ăn thuỷ sản, về mặt bản chất, là một hợp đồng mua bán hàng hoá, theo đó bên án sẽ tiến hành cung cấp một lượng thức ăn nhất định tuỳ theo nhu cầu của bên mua và bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán tương ứng với lượng thức ăn mà bên bán đã cung cấp.

Tuy nhiên để thức ăn thuỷ sản được đưa vào phân phối và tiêu thụ trên thị trường cần phải đáp ứng một số điều kiện quy định tại Luật Thuỷ sản 2017 và các văn bản pháp luật khác liên quan.

 

Điều kiện mua bán thức ăn thuỷ sản

Thuỷ sản là một trong những hàng hóa xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam và rất được chú trọng[2] (hàng thuỷ sản luôn thuộc trong tổng số nhóm hàng xuất khẩu lớn[3]). Vì vậy, chất lượng thuỷ sản là một trong các vấn đề được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Bởi vậy, để đảm bảo thuỷ sản đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thì nguồn thức ăn nuôi trồng thuỷ sản cũng phải đảm bảo chất lượng.

Do đó, để có thể thực hiện hoạt động mua bán thức ăn thuỷ sản trên thị trường, thức ăn thuỷ sản, cơ sở sản xuất thức ăn thuỷ sản và cơ sở mua bán thức ăn thuỷ sản phải đáp ứng một số điều kiện theo quy định của pháp luật. Cụ thể:

 

Điều kiện đối với thức ăn thuỷ sản

Thức ăn thuỷ sản trước khi lưu thông trên thị trường phải đáp ứng 03 tiêu chí sau:

Hợp đồng mua bán thức ăn thuỷ sản Điều kiện để thức ăn thuỷ sản được lưu thông trên thị trường

Thứ nhất, công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy

Thức ăn thủy sản cần phải được công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Theo đó, công bố tiêu chuẩn áp dụng là việc cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động mua bán thức ăn thủy sản công bố các đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm thức ăn thủy sản nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của thức ăn thủy sản.[4] Bên cạnh đó, công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đã được công bố.[5]

Thứ hai, chất lượng phù hợp tiêu chuẩn đã được công bố áp dụng

Thức ăn thuỷ sản phải đảm bảo các thành phần và môi trường sản xuất đáp ứng đúng các tiêu chuẩn mà doanh nghiệp đã công bố áp dụng. Doanh nghiệp sản xuất đảm bảo tính ổn định đối với chất lượng sản phẩm qua thời gian.

Việc đảm bảo chất lượng giúp nâng cao uy tín thương hiệu doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản và niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm thức ăn thuỷ sản của doanh nghiệp này.

Thứ ba, thông tin về sản phẩm đã được gửi đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định

Doanh nghiệp sản xuất thực hiện quy trình đăng ký và thông báo sản phẩm trước khi sản phẩm đó được phép lưu hành trên thị trường theo các quy định tại Thông tư số 26/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 Quy định về Quản lý giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo rằng sản phẩm thức ăn thủy sản đáp ứng các yêu cầu pháp lý và tiêu chuẩn chất lượng do nhà nước quy định.

 

Đối với cơ sở sản xuất thức ăn thuỷ sản

Để đủ điều kiện được cấp giấy Chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn thuỷ sản tổ chức cá nhân sản xuất cầu đáp ứng các tiêu chí về:

Hợp đồng mua bán thức ăn thuỷ sản

Điều kiện đối với cơ sở sản xuất thức ăn thuỷ sản

Thứ nhất, địa điểm sản xuất thức ăn thuỷ sản phải ăn trong khu vực không bị chất thải nguy hại hay hoá chất độc hại gây ô nhiễm.

Thứ hai, khu sản xuất thức ăn thuỷ sản phải có tường rào ngăn cách với bên ngoài.

Thứ ba, nhà xưởng, trang thiết bị phù hợp với từng loại sản phẩm. Nhà xưởng có kết cấu vững chắc, không đọng nước, đảm bảo kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học và tránh nhiễm chéo giữa thiết bị, nguyên liệu, thành phẩm, tuân thủ yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất.

Trang thiết bị tiếp xúc với nguyên liệu và thành phẩm phải đảm bảo kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học, và thiết bị xử lý chất thải không gây ô nhiễm. Đối với cơ sở sản xuất sinh khối vi sinh vật, cần có thiết bị tạo môi trường, lưu giữ và nuôi cấy vi sinh vật.

Thứ tư, có điều kiện phân tích chất lượng trong quá trình sản xuất. Quy định này yêu cầu cơ sở sản xuất thức ăn thuỷ sản có phòng thử nghiệm hoặc có thuê phòng thử nghiệm đủ năng lực để kiểm tra chất lượng trong quá trình sản xuất.

Thứ năm, áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học. Cơ sở sản xuất phải được xây dựng và thực hiện hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học cho từng sản phẩm, bao gồm: nước sản xuất, nguyên liệu, bao bì, thành phẩm, quá trình sản xuất, tái chế, lưu mẫu, kiểm định thiết bị, kiểm soát động vật gây hại, vệ sinh nhà xưởng và xử lý chất thải.

Thứ sáu, cơ sở sản xuất cần có đội ngũ nhân viên kỹ thuật được đào tạo chuyên sâu về các lĩnh vực như nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản, sinh học, hóa học, hoặc công nghệ thực phẩm. Điều này đảm bảo rằng quy trình sản xuất được vận hành một cách chuyên nghiệp, hiệu quả, và an toàn, từ đó đảm bảo chất lượng sản phẩm.[6]

Việc tuân thủ các yêu cầu này giúp cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn, đồng thời đáp ứng các yêu cầu pháp lý và bảo vệ môi trường.

Đối với cơ sở mua bán thức ăn thuỷ sản

Ngoài yêu cầu về điều kiện về tiêu chuẩn chất lượng thức ăn thuỷ sản và cơ sở sản xuất, cơ sở mua bán, nhập khẩu thức ăn thuỷ sản cũng phải đảm bảo một số điều kiện nhất định, cụ thể:

Thứ nhất, cơ sở mua bán có nơi bày bán, nơi bảo quản thức ăn thuỷ sản cách biệt với các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và hoá chất độc hại.

Thứ hai, cơ sở mua bản trang bị các thiệt bị, dụng cụ cần thiết để bảo quản thức ăn thuỷ sản theo hướng dẫn của nhà sản xuất, nhà cung cấp.[7]

 

Pháp luật điều chỉnh hợp đồng mua bán thức ăn thuỷ sản

Khi tiến hành ký kết hợp đồng mua bán thuỷ sản thuỷ sản các bên cần tuân thủ theo quy định của Bộ luật Dân sự liên quan đến chế định hợp đồng. Bên cạnh đó, với đặc điểm đặc thù về mua bán thức ăn thuỷ sản, các bên còn phải chịu sự điều chỉnh của Luật Thuỷ sản 2017 và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về mua bán, kinh doanh thức ăn thuỷ sản theo quy định pháp luật.[8]

Hợp đồng mua bán thức ăn thuỷ sản

Pháp luật điều chỉnh hợp đồng mua bán thức ăn thuỷ sản

 

Những lưu ý khi soạn thảo và ký kết hợp đồng mua bán thức ăn thuỷ sản

Các bên tham gia hợp đồng mua bán thức ăn thuỷ sản cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, các bên cần đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy định pháp luật mua bán thức ăn thuỷ sản trước khi giao kết hợp đồng như được đề cập tại các phần trên.

Thứ hai, Hợp đồng mua bán thức ăn thủy sản chỉ nên quy định các điều khoản cơ bản như thông tin các bên, cơ sở hợp đồng, thanh toán, thời gian, địa điểm và phương thức giao hàng, chấm dứt hợp đồng, và giải quyết tranh chấp. Vì đây là hợp đồng dài hạn[9], các bên chỉ cần quy định khung pháp lý cơ bản, các điều khoản về phân loại và số lượng thức ăn không cần quy định chi tiết. Giá cả và phân loại thức ăn thuỷ sản có thể thay đổi tùy thời điểm. Vì vậy, các bên nên ghi nhận giá và loại thức ăn qua biên lai sau mỗi lần giao dịch. Biên lai lập thành 02 bản, mỗi bên giữ một bản. Điều này giúp giao dịch nhanh chóng và đảm bảo đúng thỏa thuận hợp đồng.

Thứ ba, Hợp đồng cần quy định rõ về quyền nghiệm thu sản phẩm, điều khoản bảo hành. Điều này thể hiện việc bên bán cam kết các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn và chất lượng của sản phẩm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua, đảm bảo bên mua nhận được sản phẩm đúng theo thỏa thuận.

Kết luận

Hopdongmau.net vừa cung cấp cho bạn đọc các vấn đề cơ bản khi thực hiện giao dịch mua bán thức ăn thuỷ sản bao gồm điều kiện kinh doanh thức ăn thuỷ sản và một số lưu ý khi giao kết/soạn thảo Hợp đồng mua bán thức ăn thuỷ sản. Việc xây dựng một hợp đồng mua bán thức ăn thuỷ sản rõ ràng và chi tiết là vô cùng cần thiết để bảo vệ quyền lợi của cả bên mua và bên bán. Để đảm bảo giao dịch diễn ra minh bạch, hiệu quả, và giảm thiểu rủi ro tranh chấp trong quá trình thực hiện thì việc xác định rõ các điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn chất lượng, quyền nghiệm thu, điều khoản bảo hành, và trách nhiệm của các bên trong hợp đồng là điều vô cùng cần thiết trước khi các bên thực hiện giao kết hợp đồng mua bán thức ăn thuỷ sản.

 

[1] Luật Thuỷ sản 2017, Điều 3.14

[2] Xem: Thống kê Hải quan – Tổng cục Hải quan Việt Nam về Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam qua các năm <https://www.customs.gov.vn/index.jsp?pageId=3521>

[3] Tham khảo thống kê từ năm 2017 đến 2024

[4] Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006, Điều 3.1

[5] Thông tư 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Điều 3.2

Xem thêm: ‘Công bố hợp quy là gì? Đối tượng thực hiện công bố hợp quy là ai? Có bắt buộc phải thực hiện công bố hợp quy?’ Sở Khoa học và Công nghệ (27/10/2023) <https://dichvucong.nghean.gov.vn/public/linkto/tintuc_chitiet/128#:~:text=C%C3%B4ng%20b%E1%BB%91%20h%E1%BB%A3p%20quy%20l%C3%A0%20vi%E1%BB%87c%20t%E1%BB%95%20ch%E1%BB%A9c%2C%20c%C3%A1%20nh%C3%A2n,chu%E1%BA%A9n%20k%E1%BB%B9%20thu%E1%BA%ADt%20t%C6%B0%C6%A1ng%20%E1%BB%A9ng>

[6] Luật Thuỷ sản 2017, Điều 32

[7] Luật Thuỷ sản 2017, Điều 33

[8] Xem thêm: Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006; Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012; Thông tư số 04/2020/TT-BNNPTNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản

[9] Thông thường, bên bán liên tục cung cấp thức ăn thủy sản cho bên mua trong một giai đoạn/mùa vụ nhất định và mang tính ổn định.

 

 

Thông tin liên hệ 

Hopdongmau.net nhận cung cấp các mẫu hợp đồng, biểu mẫu theo từng doanh nghiệp, cá nhân trên toàn quốc theo yêu cầu. 

Nếu bạn cần bất kỳ hỗ trợ nào về mẫu hợp đồng lao động vui lòng liên hệ với chúng tôi qua các hình thức sau: 

Email: hotro@hopdongmau.net 

Điện thoại: (84) 28-6276 9900 

Hotline: 0916 545 618 (Luật sư Lê Thế Hùng) 

Hoặc bạn có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua địa chỉ sau: 

CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM 

Địa chỉ: 28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức, 

Hồ Chí Minh, Việt Nam 

Điện thoại: (84) 28-6276 9900 

  

Phụ trách 

Lê Hoàng Yến | Trợ lý

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *