Hợp Đồng Vận Chuyển Tài Sản Là Gì?

Hiện nay, trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, dịch vụ vận chuyển được rất nhiều các doanh nghiệp, cá nhân tham gia sử dụng và đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Để thực hiện dịch vụ vận chuyển được tốt nhất và đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ cho các bên tham gia thì các bên phải ký kết Hợp đồng vận chuyển tài sản.

Bản chất của Hợp đồng vận chuyển tài sản là một loại Hợp đồng dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự, vì vậy, nó được áp dụng thực hiện và điều chỉnh theo quy định của Bộ luật dân sự. Do đó, khái niệm, hình thức và nội dung của Hợp đồng này được quy định cụ thể như sau:

Khái niệm Hợp đồng vận chuyển tài sản

Vận chuyển tài sản là cách gọi việc di dời tài sản từ địa điểm này đến địa điểm khác với nhiều hình thức, nhiều phương tiện chuyên chở khác nhau như: xe tải, tàu, thuyền, máy bay… trên các loại hình giao thông khác nhau như đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không. Theo cách xác định chung về các loại hợp đồng thông dụng thì Hợp đồng vận chuyển này được định nghĩa tại Điều 530 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

“Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển.”

Nhìn vào quy định trên, chúng ta có thể thấy khái niệm của Hợp đồng vận chuyển tài sản này cần làm rõ một số vấn đề sau:

Thứ nhất, chủ thể của Hợp đồng vận chuyển tài sản

Trong Hợp đồng vận chuyển tài sản, bên cạnh chủ thể là bên vận chuyển và bên thuê vận chuyển thì còn có một số chủ thể khác, mặc dù không phải là chủ thể của Hợp đồng nhưng có liên quan đến Hợp đồng như bên có quyền.

Bên có quyền có thể là người thứ ba được hưởng lợi từ Hợp đồng vận chuyển tài sản được xác lập hoặc là người được bên thuê vận chuyển ủy quyền tiếp nhận tài sản.

Thứ hai, nghĩa vụ luật định cho các bên

Thông qua khái niệm pháp luật chỉ ra các nghĩa vụ của các bên phải thực hiện khi xác lập Hợp đồng này như:

  • Chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận là nghĩa vụ của bên vận chuyển;

  • Trả tiền cước phí vận chuyển là nghĩa vụ của bên thuê vận chuyển.

Với quy định như vậy, yêu cầu bên thuê vận chuyển thanh toán cước phí và nhận tài sản hoặc yêu cầu chuyển tài sản là quyền tương xứng của các bên trong Hợp đồng vận chuyển tài sản này. Tinh thần này cũng được ghi nhận cụ thể trong Bộ luật dân sự từ Điều 534 đến Điều 540.

Ngoài hai vấn đề cần làm rõ trên thì khái niệm về Hợp đồng vận chuyển tài sản này đã đảm bảo được tính chất khác biệt giữa các Hợp đồng khác ở chỗ nó nhấn mạnh đây là Hợp đồng song vụ, có tính chất đền bù, đối tượng là công việc vận chuyển. Tuy nhiên, điểm bất cập trong các quy chế pháp lý của loại Hợp đồng này là ghi nhận quyền và nghĩa vụ chưa được rõ ràng.

Hình thức của Hợp đồng vận chuyển tài sản

Với tinh thần của việc ghi nhận những nội dung mới trong Bộ luật dân sự năm 2015, hình thức – sự thể hiện ra bên ngoài của các loại giao dịch dân sự không còn được đề cao hơn vai trò thực sự của nó.

Về bản chất, hình thức của giao dịch chỉ đơn giản là sự thể hiện ra bên ngoài của giao dịch đó. Xét về mặt pháp lý, giá trị chứng minh sự ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể trong quan hệ khi có tranh chấp sẽ tốt hơn, dễ dàng hơn nếu hình thức của giao dịch được các chủ thể lựa chọn bằng văn bản thường hoặc công chứng, chứng thực.

Do vậy, quy định mới này của BLDS năm 2015 thể hiện tốt hơn quyền tự chủ của các chủ thể tham gia giao dịch dân sự. Rõ ràng, quyền tham gia giao dịch thuộc về mỗi chủ thế và như vậy lợi ích mang lại cho ai thì chính người đó cũng phải chấp nhận đương đầu với những rủi ro do chính người đó lựa chọn là một sự hợp lý. Vì vậy, hình thức phải quy định theo hướng “thuộc về quyền lựa chọn của các chủ thể”.

Theo đó, hình thức của Hợp đồng vận chuyển tài sản sẽ được giao kết bằng văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi vụ thể.

Vận đơn có phải là Hợp đồng vận chuyển tài sản không?

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì Vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác là bằng chứng của việc giao kết Hợp đồng vận chuyển tài sản giữa các bên.

Theo đó, vận đơn được xem là một chứng từ vận tải do người vận chuyển hoặc thuyền trưởng (đối với đường biển) hoặc đại lý của người vận chuyển ký phát hành sau khi tài sản đã được xếp lên tàu hoặc tài sản đã được nhận và chờ xếp lên tàu.

Các chức năng của vận đơn

  • Là bằng chứng xác nhận Hợp đồng vận chuyển tài sản đã được ký kết và chỉ rõ nội dung của Hợp đồng đó. Với chức năng này, nó xác định quan hệ pháp lý giữa người vận tải và người chủ hàng, mà trong đó, đặc biệt là quan hệ pháp lý giữa người vận tải và người nhận hàng;

  • Là biên lai của người vận tải xác nhận đã nhận hàng để chuyên chở. Người vận tải chỉ giao hàng cho người nào xuất trình trước tiên vận đơn đường biển hợp lệ mà họ đã ký phát ở cảng xếp hàng;

  • Là chứng từ xác nhận quyền sở hữu đối với những tài sản đã ghi trên vận đơn. Với chức năng này, vận đơn là một loại giấy tờ có giá trị, được dùng để cầm cố, mua bán, chuyển nhượng.

Nội dung của vận đơn

Trên vận đơn thường có các nội dung như:

  • Loại tài sản vận chuyển;

  • Số lượng, tình trạng tài sản;

  • Tên và địa chỉ người vận tải, những chỉ dẫn khác theo yêu cầu;

  • Địa điểm xếp hàng, địa điểm dỡ hàng;

  • Tên và địa chỉ người gửi hàng;

  • Tên và địa chỉ người nhận hàng;

  • Thời gian và địa điểm cấp vận đơn;

  • Sổ bản gốc vận đơn;

  • Chữ ký của người vận tải;

  • Một số nội dung khác.

Như vậy, từ những phân tích trên cho thấy vận đơn không phải là Hợp đồng vận chuyển tài sản mà nó chỉ đơn thuần là bằng chứng của việc giao kết Hợp đồng giữa các bên, là một trong những chứng từ rằng buộc quan hệ pháp lý của các bên tham gia trong Hợp đồng vận chuyển này.

Thông tin liên hệ

Hopdongmau.net nhận cung cấp các mẫu hợp đồng, biểu mẫu theo từng doanh nghiệp, cá nhân trên toàn quốc theo yêu cầu.

Nếu bạn cần bất kỳ hỗ trợ nào về mẫu hợp đồng lao động vui lòng liên hệ với chúng tôi qua các hình thức sau:

Email: hotro@hopdongmau.net

Điện thoại: (84) 28-6276 9900

Hotline: 0916 545 618 (Luật sư Lê Thế Hùng)

Hoặc bạn có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua địa chỉ sau:

CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM

Địa chỉ: 28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, TP.Thủ Đức,

Hồ Chí Minh, Việt Nam

Điện thoại: (84) 28-6276 9900

Website: CNC COUNSEL

Phụ trách:

Luật sư Nguyễn Thị Kim Ngân | Luật sư Thành viên

Điện thoại: (84) 919 639 093

Email: ngan.nguyen@cnccounsel.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *