Bên cạnh những hợp đồng lao động có nội dung rõ ràng, ngắn gọn thì có nhiều hợp đồng có nội dung dài và phức tạp. Trong khi đó, các điều khoản hình thành nên hợp đồng cần gắn gọn, dễ hiểu, chứa đựng thông tin cần thiết để thực hiện hợp đồng đạt hiệu quả cao. Chính vì vậy, khi giao kết hợp đồng, các bên thường thỏa thuận phụ lục kèm theo để giải thích, quy định chi tiết các điều khoản của hợp đồng.
Phụ lục hợp đồng lao động là một phần của hợp đồng nên có hiệu lực như hợp đồng và hiệu lực của nó phải phụ thuộc vào hợp đồng chính. Nội dung của nó cũng phải phù hợp với nội dung của hợp đồng, không được trái với nội dung của hợp đồng cũng như không được tách khỏi hợp đồng chính. Phụ lục này được xây dựng và xác lập kèm theo hợp đồng nên nó sẽ bị rằng buộc và được thực hiện như các nội dung khác của hợp đồng mà không thể tách rời. Do vậy, khi làm Phụ lục chúng ta cần lưu ý đến một số điểm sau:
Phân loại Phụ lục hợp đồng lao động
Căn cứ khoản 2 Điều 22 Bộ luật Lao động năm 2019, có thể phân Phụ lục hợp đồng thành 02 loại theo mục đích sử dụng như sau:
<em
Một là, Phụ lục quy định chi tiết một số nội dung trong Hợp đồng lao động
Phụ lục hợp đồng như một phần bổ sung cho hợp đồng chính, quy định chi tiết một số điều khoản và được lập đồng thời với hợp đồng chính. Phụ lục loại này thường quy định cụ thể về công việc thực hiện, giai đoạn, thời hạn,…theo như hợp đồng chính nhưng chi tiết và cụ thể hơn. Phụ lục quy định chi tiết có thể được lập cùng lúc với hợp đồng lao động hoặc được lập trong quá trình thực hiện ợp đồng lao động.
Hai là, Phụ lục sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Hợp đồng lao động
Phụ lục dùng để bổ sung hoặc sửa đổi một số quy định của hợp đồng đã được lập trước đó. Phụ lục loại này thường là thay đổi các nội dung của hợp đồng đã lập như: điều chỉnh tiền lương, phụ cấp hoặc chế độ phúc lợi khác; thay đổi vị trí, chức danh công việc;… Loại phụ lục này thường được lập trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động.
Nội dung của Phụ lục hợp đồng lao động
Dựa theo quy định của pháp luật hiện hành thì nội dung của Phụ lục hợp đồng cần đảm bảo những nội dung sau:
Thứ nhất, Phụ lục không được sửa đổi thời hạn của Hợp đồng.
Đây là một quy định hoàn toàn mới của Bộ luật Lao động năm 2019. Trước đây, Nghị định số 05/2015/NĐ-CP cho phép các bên tiến hành ký Phụ lục để sửa đổi thời hạn của hợp đồng nhưng không được làm thay đổi loại hợp đồng đã giao kết.
Tuy nhiên, từ năm 2021, các bên phải thực hiện hợp đồng lao động theo thời hạn đã thỏa thuận, chứ không được thỏa thuận sửa đổi bằng Phụ lục.
Thứ hai, Phụ lục phải đảm bảo không dẫn đến cách hiểu khác với nội dung trong hợp đồng đó.
Phụ lục quy định chi tiết một số điều kiện và điều khoản của Hợp đồng phải đảm bảo không gây nhầm lẫn hoặc không dẫn đến cách hiểu khác với nội dung của hợp đồng. Nếu gây nhầm lẫn hoặc tạo ra cách hiểu khác thì thực hiện theo nội dung hợp đồng được giao kết lúc đầu.
Thứ ba, Phụ lục phải ghi rõ nội dung điều, khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.
Bên cạnh việc đảm bảo nội dung không dẫn đến cách hiểu khác hoặc gây nhầm lẫn thì nội dung của Phụ lục được xác lập trong trường hợp sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng thì còn phải ghi rõ nội dung điều kiện, điều khoản sửa đổi, bổ sung cũng như thời điểm điều khoản, điều kiện đó có hiệu lực.
Thứ tư, Nội dung của Phụ lục không được trái với nội dung của hợp đồng ban đầu, đồng thời không được vi phạm điều cấm của luật hay đạo đức xã hội.
Trong trường hợp Phụ lục có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp các bên chấp nhận Phụ lục có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.
Trường hợp Phụ lục bị vô hiệu thì hợp đồng vẫn có hiệu lực, tuy nhiên nếu hợp đồng vô hiệu một phần hoặc toàn bộ sẽ dẫn đến Phụ lục cũng bị vô hiệu tương ứng với điều khoản bị vô hiệu ở hợp đồng.
Có cần báo trước khi ký Phụ lục hợp đồng không?
Như đã nêu, Phụ lục hợp đồng có hai loại là Phụ lục quy định chi tiết một số nội dung và phụ lục sửa đổi, bổ sung một số nội dung hợp đồng. Trong đó, Phụ lục quy định chi tiết nội dung hợp đồng sẽ do các bên tự thỏa thuận và ký kết, pháp luật hiện hành không đặt ra thời gian báo trước.
Tuy nhiên đối với Phụ lục sửa đổi, bổ sung hợp đồng, tại Điều 33 Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định rằng:
“Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
Trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.”
Theo đó, trước khi ký Phụ lục sửa đổi, bổ sung hợp đồng, bên yêu cầu sửa đổi phải báo trước 03 ngày về các nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho bên còn lại biết để thống nhất thỏa thuận.
Phụ lục hợp đồng lao động được ký mấy lần?
Pháp luật lao động hiện hành không quy định giới hạn số lần ký Phụ lục. Về nội dung này, trước đây, theo quy định Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, Phụ lục chỉ được ký một lần để sửa đổi thời hạn của Hợp đồng.
Tuy nhiên, hiện hành theo quy định mới tại pháp luật về lao động, Phụ lục không còn được sửa đổi thời hạn hợp đồng. Do đó, không còn giới hạn đối với số lần ký đối với bất kì trường hợp ký Phụ lục hợp đồng để quy định chi tiết hay sửa đổi, bổ sung nội dung Hợp đồng.
Liên hệ và đóng góp ý kiến
Bất kỳ ý kiến đóng góp, hiệu chỉnh nào của độc giả đối với các nội dung trong bản tin này hoặc cần Hợp đồng mẫu hỗ trợ thêm, vui lòng gửi về:
CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM
Địa chỉ: 28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức, Hồ Chí Minh, Việt Nam
Điện thoại: (84) 28-6276 9900
Hot line: (84) 916-545-618
Email: hotro@hopdongmau.net
Phụ trách:
Luật sư Nguyễn Thị Kim Ngân | Luật sư Thành viên
Điện thoại: (84) 919 639 093
Email:
Hoặc
Trợ lý Luật sư Ngô Thị Phương Uyên | Cộng sự
Điện thoại: (84) 935 874 284
Email: uyen.ngo@cnccounsel.com