Một Số Ý Kiến Về Hợp Đồng Vô Hiệu Do Vi Phạm Điều Kiện Hình Thức

Một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của hợp đồng là tự do ý chí, ý chí có thể được bày tỏ dưới nhiều hình thức như văn bản, lời nói, hành vi cụ thể hoặc thậm chí là sự im lặng trong một số trường hợp[1]. Song để bảo đảm an toàn pháp lý trong quan hệ hợp đồng cũng như góp phần tăng cường sự quản lý của nhà nước, tùy theo tính chất của đối tượng hợp đồng mà pháp luật dân sự có những yêu cầu khác nhau về hình thức hợp đồng.

Với những trường hợp pháp luật quy định hợp đồng giao kết phải tuân theo những hình thức nhất định, nếu không các bên tham gia giao kết sẽ phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi. Cụ thể, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu…” (Điều 129); “Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu… cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu” (khoản 1 Điều 407).

Nghiên cứu pháp luật một số quốc gia về hình thức hợp đồng cho thấy, ở một số quốc gia, hình thức của hợp đồng chỉ nhằm làm chứng cứ giao kết hợp đồng, nhưng ở một số quốc gia khác, trong một số trường hợp nhất định, điều kiện hình thức của hợp đồng được coi là yêu cầu bắt buộc của hiệu lực hợp đồng[2] và pháp luật Việt Nam cũng theo quan điểm này.

Việc quy định về hình thức là điều kiện có hiệu lực của một số hợp đồng dân sự do pháp luật quy định[3], đặc biệt là đối với tài sản có giá trị cao như bất động sản hoặc tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, buộc các bên trong hợp đồng phải tuân theo nếu không muốn bị tuyên hợp đồng vô hiệu là cần thiết, bởi lẽ, hợp đồng được xác lập không chỉ là dựa trên sự tự do ý chí và thống nhất ý chí vì lợi ích của các bên, mà còn liên quan đến trật tự quản lý của nhà nước, lợi ích chung của xã hội hay của bên thứ ba.

Hợp đồng vô hiệu
Hợp đồng vô hiệu

Mặt khác, hiện nay trình độ am hiểu pháp luật ở một bộ phận dân cư còn hạn chế khiến họ dễ dàng trở thành nạn nhân của những phi vụ lừa đảo[4], khi đó, hình thức bắt buộc của hợp đồng sẽ trở thành công cụ hỗ trợ người dân kiểm tra tính hợp pháp của các loại giấy tờ có liên quan (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận chủ quyền đối với nhà ở…).

Thực tiễn cho thấy, trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng, nhiều tài sản đã được chuyển giao, công việc đã được thực hiện theo thỏa thuận, cam kết dân sự giữa các bên liên quan dù không tuân thủ về hình thức hoặc chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý của hợp đồng do nhiều nguyên nhân khác nhau, như hạn chế về nhận thức pháp lý của người dân, các hoạt động dịch vụ tư pháp chưa được phổ biến; sự “cả nể” trong thân quen họ hàng; cơn “sốt” bất động sản; thậm chí, có thể còn cả do người dân không đủ hay không muốn mất thêm chi phí cho các giao dịch dân sự này vì ngại lệ phí trước bạ quá cao, xa trụ sở cơ quan công quyền, thủ tục hành chính và các chi phí “bôi trơn” phiền hà, tốn kém…

Bên cạnh đó, còn có không ít trường hợp bên không thiện chí lạm dụng quy định hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ hình thức để bội ước, chủ ý nại ra tranh chấp và chủ động phát đơn kiện ra Tòa án để được Tòa án tuyên giao dịch vô hiệu vì chưa tuân thủ quy định hình thức pháp lý, buộc khôi phục nguyên trạng, của ai trả lại người nấy. Những trường hợp này khiến quyền lợi bên kia hoặc bên thứ ba liên quan bị thiệt hại nặng, làm méo mó quan hệ dân sự nói chung và trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nói riêng, tạo nguy cơ mất ổn định và làm tổn thương các chuẩn mực đạo đức và quan hệ xã hội truyền thống…

Việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu trong trường hợp này là không phù hợp với lợi ích của các bên. Chính vì vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bỏ quy định về việc hợp thức hóa hình thức hợp đồng và thay vào đó là một số quy định mới nhằm “cứu vãn” các hợp đồng có nguy cơ bị vô hiệu do vi phạm về hình thức, hợp đồng sẽ không bị tuyên vô hiệu nếu đáp ứng được một số điều kiện nhất định.

Sự bổ sung này đã tạo cơ hội công nhận giao dịch dân sự đã hoàn tất và tạo sự ổn định trong quản lý, sử dụng tài sản đã giao dịch trên thực tế, tương hợp với quyền lợi của các bên giao dịch cũng như bên thứ ba có liên quan, buộc các cơ quan chức năng phải chủ động, tích cực tham gia hoàn tất thủ tục và chịu một phần trách nhiệm trong sự chưa tuân thủ các hình thức bắt buộc của giao dịch dân sự mà không đổ lỗi hoàn toàn cho người dân, mặt khác, còn giúp tránh gây xáo trộn, kiện cáo lạm dụng, giảm thiểu chi phí tiền bạc và thời gian liên quan với các tài sản đó cho người dân và cơ quan quản lý nhà nước[5].

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, quy định này ngay lập tức đã bộc lộ những nguy cơ mất an toàn pháp lý, cụ thể:

Thứ nhất, không quy định cụ thể những loại hợp đồng nào phải tuân thủ điều kiện hình thức

Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định cụ thể những loại hợp đồng nào phải tuân thủ điều kiện hình thức và khi nào thì hình thức của hợp đồng là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mà chỉ quy định về hình thức bắt buộc của một số loại giao dịch dân sự như: Hợp đồng mua bán, tặng cho nhà ở phải được lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác[6], hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật[7]…

Bên cạnh đó, một số văn bản pháp luật chuyên ngành đặt ra yêu cầu hợp đồng phải có một số nội dung bắt buộc như: Luật Xây dựng quy định hợp đồng xây dựng phải có ít nhất 14 nội dung như khối lượng công việc, yêu cầu kỹ thuật của công việc, thời gian và tiến độ thực hiện hợp đồng[8]… hay Luật Kinh doanh bất động sản yêu cầu hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà hay công trình xây dựng phải có 12 nội dung gồm giá, phương thức và thời hạn thanh toán, thời hạn giao, nhận bất động sản[9]…

Trường hợp hợp đồng không có đầy đủ các nội dung bắt buộc trên thì có thể xem đã vi phạm điều kiện về hình thức của hợp đồng hay không? Dựa trên tinh thần của Điều 129, có thể xác định Bộ luật Dân sự năm 2015 đã chính thức coi việc yêu cầu hợp đồng phải có một số nội dung bắt buộc là một điều kiện về mặt hình thức[10]. Vậy khi giải thích quy định trên có thể hiểu theo hướng luật có quy định bắt buộc về hình thức thì đây là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng và khi không tuân thủ hình thức bắt buộc là hợp đồng vô hiệu không?

Trên thực tế, việc quy định điều kiện hình thức hợp đồng cần dựa trên cơ sở tôn trọng tối đa quyền tự do, tự nguyện thỏa thuận của các bên, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng dễ dàng tiếp cận các quy định của pháp luật về hình thức của hợp đồng, giao kết hợp đồng đúng hình thức luật định, tránh trường hợp hợp đồng bị tuyên vô hiệu do vi phạm điều kiện hình thức, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ cho các bên, đồng thời bảo vệ trật tự công cộng, xã hội.

Thứ hai, coi nhẹ vai trò của công chứng, chứng thực, tạo kẽ hở cho các đối tượng trốn thuế, trốn tránh nghĩa vụ bằng cách để trống thông tin tại thời điểm giao dịch

Theo khoản 2 Điều 129, “giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực”. Như vậy, thay vì bắt buộc phải làm các thủ tục công chứng, các chủ thể có cách khác để hợp pháp hóa các giao dịch (bao gồm hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương) mà lẽ ra phải qua thủ tục công chứng, chứng thực.

Mục đích của các nhà làm luật khi đưa ra quy định này là làm giảm đi các vụ kiện, giảm tải cho Tòa án, nhưng với nội dung như vậy sẽ tạo tác dụng ngược lại, thay vì đến các tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực, rất nhiều chủ thể sẽ tìm đến Tòa án để yêu cầu công nhận giao dịch hợp pháp, đặc biệt sau khi Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 được ban hành, Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Trên thực tế, có rất nhiều các quan hệ hợp đồng đã và đang diễn ra không tuân thủ quy định về hoạt động công chứng, chứng thực những hợp đồng này hầu hết đều tiềm ẩn rủi ro pháp lý cao và nhiều hợp đồng có giá trị lớn. Các tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan chứng thực có các điều kiện chuyên biệt để đảm bảo an toàn pháp lý cho các quan hệ hợp đồng mà Tòa án không thể làm thay được, đặc biệt, nhiều hợp đồng không thể xác minh tính hợp pháp nếu không có sự chứng kiến tại thời điểm giao kết hợp đồng.

Chính vì thế, việc hợp pháp hóa hợp đồng vi phạm điều kiện công chứng, chứng thực theo quy định tại Điều 129 đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn pháp lý cho các quan hệ hợp đồng. Ví dụ: Vợ chồng ông A, bà B chuyển nhượng cho ông C quyền sử dụng 120 m2  đất là tài sản chung của vợ chồng A và B. Tại thời điểm ký hợp đồng, bà B ký vào hợp đồng trong tình trạng không minh mẫn, không nhận thức được hành vi của mình nên công chứng viên không chứng nhận. Sau đó các bên vẫn thực hiện hợp đồng, ông C giao hết tiền cho ông A. Một thời gian sau bà B chết, ông C và ông B yêu cầu Tòa án công nhận tính hợp pháp của giao dịch. Nếu dẫn chiếu theo quy định tại khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì giao dịch này có thể được Tòa án công nhận (?).

Quy định này cũng có thể tạo ra cách hiểu sai về tính bắt buộc của hoạt động công chứng, chứng thực, rằng nếu không thích phải công chứng, chứng thực thì cứ giao dịch, thanh toán cho nhau 2/3 nghĩa vụ rồi có thể được công nhận qua con đường Tòa án. Với cách hiểu này, nhiều chủ thể gặp khó khăn trong việc công chứng, chứng thực nhưng vì thiếu hiểu biết, vì lợi ích trước mắt họ vẫn giao dịch với nhau và hứng chịu rủi ro pháp lý cao.

Ví dụ: A cầm cố sổ đỏ cho B và vay của B số tiền 600 triệu đồng. A chơi cá độ bóng đá và bị thua rất nhiều nên đi trốn nợ. A liên lạc với B đề nghị bán nhà của A cho B với giá 1,5 tỷ đồng để lấy tiền trả nợ. Thấy rẻ nên B đồng ý sẽ mua nhà của A. Hai bên ký hợp đồng mua bán nhà nhưng không qua công chứng vì A sợ bị các chủ nợ khác phát hiện. A chấp nhận cho B trả trước 1,2 tỷ và giao toàn bộ giấy tờ nhà cho B, sau khi sang tên sổ đỏ, B sẽ trả nốt 300 triệu. B thanh toán cho A 1,2 tỷ đồng bằng cách trừ đi 600 triệu tiền nợ và trả thêm cho 600 triệu tiền mặt, sau đó, B có đơn yêu cầu Tòa án công nhận tính hợp pháp của giao dịch này. Tuy nhiên, vì bị khởi tố hình sự và có lệnh truy nã, nên tài sản của A bị cơ quan có thẩm quyền phong tỏa, B không thực hiện được việc sang tên ngôi nhà. Trong trường hợp này, nếu hợp đồng giao dịch giữa A và B được công chứng, chứng thực, thì B sẽ không phải hứng chịu các rủi ro kể trên.

Quy định này cũng tạo kẽ hở cho các đối tượng trốn thuế, trốn tránh nghĩa vụ bằng cách để trống thông tin tại thời điểm giao dịch. Ví dụ: A là môi giới bất động sản, A mua nhà của B với mục đích kinh doanh, A lập hợp đồng yêu cầu B để trống thông tin người mua, thời điểm mua bán rồi giao tiền cho B, yêu cầu B ký nhận tiền. A có thể bán trao tay ngôi nhà qua nhiều môi giới khác và hợp thức bằng cách điền thông tin cũng như thời điểm giao dịch của người mua cuối cùng và sau đó yêu cầu Tòa án công nhận tính hợp pháp của giao dịch đó. Bằng cách này, A không phải chờ đợi thời gian làm thủ tục sang tên, trốn được các loại thuế đối với việc chuyển nhượng bất động sản.

Có thể thấy rằng, việc xác định tính chính xác, hợp pháp của một giao dịch tại thời điểm giao kết là vô cùng quan trọng. Đó là lý do công chứng viên phải trực tiếp chứng kiến các chủ thể giao kết hợp đồng trước mặt mình. Mặt khác, hệ thống công chứng không đơn thuần là sự chứng kiến bằng cảm quan. Luật Công chứng năm 2014 quy định rõ về việc lập cơ sở dữ liệu thông tin công chứng để hỗ trợ giảm thiểu rủi ro cho các giao dịch dân sự, điều đó cho thấy ngành công chứng có những phương tiện hữu hiệu và đặc thù để ngăn ngừa rủi ro pháp lý dẫn đến tranh chấp trong giao dịch dân sự mà các cơ quan khác không thể làm thay.

Thời gian gần đây đã có những quy định theo hướng bỏ qua thủ tục công chứng, nhưng thực tế đã chứng minh sự cắt giảm này ngay lập tức đem đến những rủi ro và thiệt hại lớn cho các chủ thể, gần nhất là vụ việc về chung cư The Hamona (Thành phố Hồ Chí Minh)[11], người mua nhà chịu thiệt thòi xuất phát từ quy định cho phép các công ty kinh doanh bất động sản ký hợp đồng bán nhà cho khách hàng không cần phải qua công chứng.

Từ những phân tích nêu trên, có thể nhận thấy, quy định của Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015 cần được nghiên cứu, bổ sung cụ thể hơn nhằm ngăn ngừa những rủi ro và kẽ hở pháp lý khi áp dụng vào thực tế. Cần có một cơ chế hoặc quy định điều kiện cụ thể để thu hẹp hoặc thắt chặt phạm vi áp dụng, đồng thời giải thích rõ ràng để tránh việc bị hiểu sai, bị lạm dụng cho những hành vi phi pháp.

Trong điều kiện kinh tế, xã hội ở Việt Nam hiện nay, quy định về hình thức của hợp đồng là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng vẫn là cần thiết trong một số trường hợp nhất định nhằm bảo đảm sự an toàn pháp lý trong giao dịch dân sự cho cộng đồng và cho chính các chủ thể giao kết hợp đồng. Một khi luật quy định như vậy, thì phải tạo lập các điều kiền cần và đủ cho việc tổ chức thực hiện pháp luật. Mặt khác, Việt Nam đã gia nhập Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) (chính thức có hiệu lực ràng buộc đối với Việt Nam kể từ ngày 01/01/2017).

Điều 11 của Công ước quy định: “Hợp đồng mua bán không cần phải được ký kết hoặc xác nhận bằng văn bản hay phải tuân thủ một yêu cầu nào khác về hình thức của hợp đồng. Hợp đồng có thể được chứng minh bằng mọi cách, kể cả những lời khai của nhân chứng”. Với quy định về nguyên tắc áp dụng điều ước quốc tế trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Bộ luật Dân sự năm 2015 phải được rà soát, sửa đổi toàn diện, đảm bảo tương thích với các quy định của điều ước quốc tế, trong đó có việc xác định hình thức hợp đồng.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Khoản 2 Điều 393 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên”.

[2]. Đối với pháp luật một số nước Anh, Mỹ, Pháp, chức năng chứng cứ của hợp đồng chiếm vị trí ưu thế, còn ở một số nước như Đức, Nga, các đòi hỏi về hình thức nhằm hướng tới vấn đề hiệu lực của hợp đồng hơn là vấn đề chứng cứ.

[3]. Khoản 2, Điều 117, Bộ luật Dân sự năm  2015: “2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”

[4].http://dantri.com.vn/ban-doc/ha-noi-mot-ngoi-nha-ban-cho-nhieu-nguoi-am-hang-ty-dong-phi-phap 2016010808300758.htm

[5]. TS. Nguyễn Minh Phong, Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức, Bài đăng trên báo Nhân dân điện tử: (http://www.nhandan.com.vn/xahoi/phapluat/item/26474902-hau-qua-phap-ly-cua-giao-dich-dan-su-khong-tuan-thu-quy-dinh-ve-hinh-thuc.html).

[6]. Xem Điều 121, Điều 122 Luật Nhà ở 2014.

[7]. Xem Điều 167 Luật Đất Đai 2013.

[8]. Xem Điều 141, Luật Xây dựng.

[9]. Xem Điều 18, Luật Kinh doanh bất động sản.

[10]. Xem khoản 1 Điều 129, Bộ luật Dân sự năm 2015.

[11]. http://www.baogiaothong.vn/rui-ro-mua-nha-du-an-bi-the-chap-ngan-hang-d153245.html

Bài viết này được tham khảo của Tác giả Phạm Thị Thúy Kiều, Đại học Tài chính – Kế toán Quảng Ngãi; được đăng tải trên website của Tạp chí dân chủ và pháp luật, tại địa chỉ: http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thi-hanh-phap-luat.aspx?ItemID=373

Thông tin liên hệ

Hopdongmau.net nhận cung cấp các mẫu hợp đồng, biểu mẫu theo từng doanh nghiệp, cá nhân trên toàn quốc theo yêu cầu. Nếu bạn cần bất kỳ hỗ trợ nào về mẫu hợp đồng lao động vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: hotro@hopdongmau.net hoặc điện thoại (84) 28-6276 9900. Hoặc bạn có thể liên hệ với chúng tôi thông qua địa chỉ sau:

CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM

Địa chỉ: 28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức, Hồ Chí Minh, Việt Nam

Điện thoại: (84) 28-6276 9900

Hot line: (84) 28-6276 9900

Email: hotro@hopdongmau.net

Phụ trách:

Luật sư Nguyễn Thị Kim Ngân | Luật sư Thành viên

Điện thoại: (84) 28-6276 9900

Email:

hotro@hopdongmau.net

Hoặc

Trợ lý Luật sư Huỳnh Lê Thảo Trang | Cộng sự

Điện thoại: (84) 28-6276 9900

Email: hotro@hopdongmau.net

Website:

Trang chủ

Trang chủ

Home

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *