Điều Khoản Trọng Tài và Những Điều Cần Lưu Ý

Giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài đang được các bên lựa chọn ngày càng nhiều hơn trong các giao dịch thương mại hiện nay. Do vậy, việc xác định đúng vai trò, ý nghĩa pháp lý của trọng tài có ý nghĩa quan trọng. Vậy đâu là những vấn đề cần lưu ý khi đưa vấn đề trọng tài vào các thỏa thuận của các bên?

Thứ nhất, có cần thiết đưa vào hợp đồng điều khoản trọng tài không?

Trước tiên cần khẳng định rằng không thể tiến hành tố tụng trọng tài nếu không có thỏa thuận trọng tài. Vì thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài không mang tính đương nhiên, mà trọng tài chỉ có thẩm quyền khi các bên trao quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng cho trọng tài, việc trao quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng cho trọng tài được thể hiện bằng một điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc một thỏa thuận đưa tranh chấp ra giải quyết trước trọng tài.

Theo đó, Luật Trọng Tài 2010 (Luật Trọng Tài Thương Mại), tại Điều 5 có quy định về điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài như sau:

1. Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận Trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

2. Trường hợp một bên tham gia thoả thuận Trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận Trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

3. Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận Trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận Trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.”

Thứ hai, chức năng của điều khoản trọng tài là gì?

Chức năng cơ bản của điều khoản Trọng tài trong Hợp đồng được ông cựu Tổng thư ký của Tòa án Trọng tài quốc tế ICC liệt kê như sau:

1. Có tác dụng ràng buộc các bên trong Hợp đồng;

2. Cho phép loại trừ sự can thiệp của Tòa án quốc gia vào giải quyết tranh chấp, ít nhất là trước khi ban hành quyết định Trọng tài;

3. Trao cho các Trọng tài viên thẩm quyền giải quyết tranh chấp có thể xảy ra giữa các bên; và

4. Cho phép tiến hành nơi Trọng tài trong những điều kiện tốt nhất, để quyết định của Trọng tài được thi hành theo luật.

Thứ ba, đưa vào Hợp đồng một “điều khoản Trọng tài” hay “Thỏa thuận đưa tranh chấp ra giải quyết trước Trọng tài”?

Về nguyên tắc, hai thỏa thuận này đều được gọi là thỏa thuận Trọng tài, nhưng trong thực tiễn áp dụng giữa hai thỏa thuận này có sự khác nhau, ít nhất là dưới gốc độ hiệu quả sử dụng.

Trong thực tiễn khi ký kết Hợp đồng có hai khả năng có thể xảy ra trong sự lựa chọn của các bên: chờ đợi cho đến khi tranh chấp xảy ra, lúc đó mới thỏa thuận với đối phương sử dụng Trọng tài làm phương thức giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp này thỏa thuận được ký với đối phương gọi là “thỏa thuận đưa tranh chấp ra Trọng tài” để bổ sung điều khoản giải quyết tranh chấp trong Hợp đồng; hoặc trường hợp các bên dự đoán tranh chấp có thể xảy ra trong Hợp đồng sẽ như thế nào, để từ đó dự liệu các biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho mình khi có tranh chấp xảy ra bằng cách đưa vào Hợp đồng một thỏa thuận về Trọng tài hay còn gọi là “Điều khoản Trọng tài”, trong đó quy định rõ khi tranh chấp Hợp đồng phát sinh thì sẽ giải quyết như thế nào.

Thứ tư, thẩm tra sơ bộ một số điểm có thể tác động đến hiệu lực của thỏa thuận (điều khoản) Trọng tài như:

1. Ai có thẩm quyền ký thỏa thuận Trọng tài: vấn đề này là hết sức quan trọng vì tại Điều 5.1a của Công Ước New York 1958 quy định: “việc công nhận và thi hành quyết định Trọng tài có thể bị từ chối nếu bất kỳ bên nào trong thỏa thuận Trọng tài không đủ năng lực ký kết” và Điều 34.2 (a) Luật Mẫu UNCITRAL cũng có quy định tương tự: “một trong các bên ký kết thỏa thuận Trọng tài theo quy định tại điều 7 không đủ năng lực ký kết thỏa thuận đó…”. Như vậy, cả Công Ước và Luật Mẫu đã dựa vào các quy tắc xung đột của nước có Tòa án đang có thẩm quyền giải quyết vụ việc để chọn luật điều chỉnh năng lực chủ thể ký kết thỏa thuận Trọng tài.

2. Người ký Hợp đồng, đương nhiên có quyền ký thỏa thuận trọng tài không? Nếu người đại diện ký Hợp đồng là người đại diện theo pháp luật thì đương nhiên có thẩm quyền. Đối với người đại diện theo ủy quyền, các bên cần lưu ý xem xét đến: phạm vi ủy quyền; hình thức ủy quyền; thời hạn ủy quyền; thẩm quyền của người ủy quyền vì đây là những vấn đề pháp lý hết sức quan trọng.

3. Tranh chấp được quy định trong điều khoản Trọng tài có thể được giải quyết bằng phương thức Trọng tài không? (phạm vi tranh chấp và chủ thể tranh chấp). Không như Tòa án, pháp luật của các nước đều có quy địnhgiới hạn về phạm vi thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài. Ví dụ, tại Điều 2 Luật Trọng Tài Thương Mại quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài là: “1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.; 2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.; 3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.

Thứ năm, về nội dung của điều khoản Trọng tài

Một điều khoản Trọng tài soạn thảo không rõ ràng, hoặc không đầy đủ sẽ không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ quyền lợi của các bên. Để đạt tính khả thi, một điều khoản Trọng tài cần thỏa mãn đủ hai yếu tố: thứ nhất là tính chính xác, phải chỉ rõ đúng tên của Trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp; thứ hai là tính đơn giản, một điều khoản Trọng tài được soạn thảo cụ thể và chi tiết thì nguy cơ không thực hiện được là rất lớn hoặc khó khăn khi thực hiện.

Thứ sáu, những điều khoản Trọng tài cần tránh đưa vào Hợp đồng

a) Điều khoản Trọng tài không xác định rõ được trọng tài nào.

b) Điều khoản Trọng tài trong đó chỉ định không chính xác, sai tổ chức Trọng tài hoặc thỏa thuận chọn một tổ chức nhưng lại quy định áp dụng quy tắc tố tụng của một tổ chức Trọng tài khác.

Tóm lại, đối với việc lựa chọn giải quyết tại Trọng tài hay tại Toà án thì thoả thuận phải phù hợp với quy định của pháp luật, cụ thể:

Lưu ý thứ nhất: Hợp đồng mua bán hàng hoá giữa các thương nhân với các tổ chức, cá nhân khác không phải là thương nhân khi có tranh chấp thì do Toà án có thẩm quyền giải quyết. Các bên không thể lựa chọn Trọng tài để giải quyết theo Điều 1, Điều 7, Điều 10 Pháp lệnh Trọng tài ngày 25/02/2003 và Điều 2 Nghị Định số: 25/NĐ-CP ngày 15/01/2004.

Lưu ý thứ hai: Hợp đồng mua bán hàng hoá giữa thương nhân với thương nhân khi có tranh chấp thì các bên có quyền lựa chọn hình thức giải quyết tại Trọng tài hoặc tại Toà án; nếu có sự tham gia của thương nhân nước ngoài thì các bên còn có thể lựa chọn một tổ chức Trọng tài của Việt Nam hoặc lựa chọn một tổ chức Trọng tài của nước ngoài để giải quyết. Khi các bên lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thì thoả thuận phải nêu đích danh một tổ chức Trọng tài cụ thể, ví dụ: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết tại Trung tâm trọng tài quốc tế bên cạnh Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam”. Nếu chỉ thoả thuận chung chung là: “trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu có tranh chấp sẽ được giải quyết tại Trọng tài” thỏa thuận này vô hiệu.

Riêng đối với hợp đồng mua bán hàng hoá giữa thương nhân Việt Nam với thương nhân nước ngoài thì các bên còn phải quan tâm đến việc lựa chọn luật áp dụng khi giải quyết tranh chấp là: luật của bên mua, luật của bên bán hay luật quốc tế (các công ước quốc tế – ví dụ: Công ước Viên năm 1980 về mua bán hàng hoá). Đây là vấn đề hết sức quan trọng khi áp dụng để các thương nhân có thể bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho mình.

Liên hệ và đóng góp ý kiến

Bất kỳ ý kiến đóng góp, hiệu chỉnh nào của độc giả đối với các nội dung trong bản tin này hoặc cần Hợp đồng mẫu hỗ trợ thêm, vui lòng gửi về:

CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM

Địa chỉ:            28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức, Hồ Chí Minh, Việt Nam

Điện thoại:       (84) 28-6276 9900

Hot line:           (84) 916-545-618

Email:              hotro@hopdongmau.net

Phụ trách:

Luật sư Nguyễn Thị Kim Ngân | Luật sư Thành viên

Điện thoại: (84) 919 639 093

Email:

ngan.nguyen@cnccounsel.com

Hoặc 

Trợ lý Luật sư Ngô Thị Phương Uyên | Cộng sự

Điện thoại: (84) 935 874 284

Email: uyen.ngo@cnccounsel.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *